Mới đây trên mạng xã hội xứ Trung xôn xao câu chuyện cậu bé ở Cửu Giang, Giang Tây tỏ vẻ tức giận chạy một mạch khỏi nhà, trèo lên vách núi cao 80m gần nhà khi mẹ chỉ khen em gái mà bỏ quên mình.
Cậu bé được lính cứu hỏa đưa xuống. Ảnh cắt từ video
Sau khi phát hiện, con trai trèo lên độ cao nguy hiểm, cha mẹ cậu bé phải gọi cứu hộ để đưa con trai xuống. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, cậu bé dường như vẫn chưa hết giận, liên tục đấm đá người cứu hộ.
Để đảm bảo an toàn cho cậu bé và lực lượng cứu hộ không còn cách nào khác là trói tay chân cậu bé rồi đưa xuống.
Sự việc này được lan truyền trên mạng lập tức thu hút sự chú ý của dân mạng.
Sau khi sự việc được lan tỏa, nhiều cư dân mạng đã để lại chê trách cho hành động của bố mẹ.
Cũng bởi tâm lý của trẻ sẽ dễ bị tổn thương khi cha mẹ không công bằng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ không được yêu thương sẽ dễ nảy sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ gặp vấn đề trầm cảm.
Bên cạnh đó ở nghiên cứu khác được thực hiện tại Đại học Michigan và California chỉ ra rằng, chính sự ganh tị với tình yêu thương mà những đứa trẻ khác nhận được từ cha mẹ sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của các anh chị em trong nhà. Và đôi lúc sự ganh ghét này sẽ kéo dài cho đến khi họ trưởng thành, nhất là trong các tình huống mâu thuẫn giữa các con mà không được cha mẹ giải quyết công bằng. Các nhà khoa học còn nói thêm, sự không công bằng của cha mẹ cũng ảnh hưởng lớn đến hành trình phát triển của những đứa trẻ.
Theo đó, khi đứa con cảm thấy không nhận được nhiều sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương của cha mẹ bằng những đứa trẻ còn lại sẽ có nhiều xu hướng tìm đến thuốc lá, bia rượu, cách chất kích thích, nhất là trong độ tuổi vị thành niên.
Chính sự thiên vị của cha mẹ sẽ gây nên nhiều tổn thương tâm lý đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con sẽ khiến chúng khó có thể nào quên được. Trẻ sẽ nhớ mãi về những lời nói hay hành động thể hiện sự phân biệt của cha mẹ với mình, thậm chí điều này còn ăn sâu vào tiềm thức khiến trẻ có suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, đáng bị xem thường, từ đó dần dần thu mình lại.
Hãy dành nhiều thời gian để quan tâm trẻ, cùng con học, cùng con chơi và làm những điều con thoải mái để rút ngắn khoảng cách thế hệ. Đặc biệt, bạn hãy dành thời gian cho các con một cách công bằng hoặc tốt nhất là chơi cùng tất cả các bé để chúng không còn cảm nhận được sự không công bằng của cha mẹ.
Thùy Dung (t/h)