Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mẹ bầu tiêm phòng uốn ván bị sốt là phản ứng bình thường hay nghiêm trọng?

(DS&PL) -

Nhiều bà bầu bị sốt sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván đã lo ngại điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi trong bụng.

Nhiều bà bầu bị sốt sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván đã lo ngại điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi trong bụng.

Tôi đang mang thai ở tuần thứ 26. Theo tư vấn của bác sĩ, tôi đi tiêm phòng uốn ván nhưng sau khi tiêm một ngày tôi bị sốt lên tới 38,5 độ. Liệu, mẹ sốt như vậy có ảnh hưởng tới thai nhi hay không? Tôi có nên sử dụng thuốc hạ sốt hay không? (Nguyễn Thị Nhung, 27 tuổi, Hà Nội)

Theo bác sĩ tư vấn của trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn, sau khi tiêm phòng uốn ván bà bầu có thể bị đau tay. Đây là tác dụng phụ thông thường có thể gặp phải sau tiêm vắc xin. Ngoài ra, khi về nhà bà bầu có thể bị sốt nhẹ. Đây là một phản ứng hết sức bình thường khi vắc xin vào cơ thể, bạn không nên quá lo lắng. Nếu bị sốt cao trên 38,5 độ bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt thông thường nhưng thường trường hợp sốt cao rất ít và tình trạng này sẽ tự động khỏi sau một thời gian (3-4 ngày), không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân và thai nhi.

Tại sao bà bầu cần phải tiêm phòng uốn ván?

Theo bác sĩ Hoàng Ánh Quyết (Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng Hà Nội), tiêm phòng uốn ván cho bà bầu thực tế là tiêm trước phơi nhiễm bởi mẹ có thể lây nhiễm vi trùng uốn ván trong cuộc sinh còn bé có thể lây nhiễm vi trùng uốn ván khi cắt dây rốn. Bà bầu nên tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và cho bé.

“Tiêm phòng uốn ván mục đích là tạo kháng thể cho mẹ trước một cuộc sinh và cho bé trước khi cắt dây rốn.

Bà mẹ có thai lần đầu hay còn gọi mang thai con so cần tiêm 2 mũi, trong đó mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Thời gian tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, do 3 tháng đầu của thai kỳ người mẹ có thể gặp những rắc rối như mệt mỏi, nôn, nghén nên về mặt chuyên môn không tiêm vào 3 tháng đầu.

Khoảng 20 tuần trở lên (3 tháng giữa thai kỳ) bà mẹ nên tiêm phòng uốn ván mũi đầu và sau 1 tháng, bà mẹ có thể tiêm mũi thứ 2. Nếu mẹ bầu nào tiêm mũi thứ 2 muộn thì nên tiêm trước khi dự kiến sinh ít nhất 1 tháng”, bác sĩ Quyết cho biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Quyết cũng chia sẻ thêm, những lần mang thai sau, mẹ bầu chỉ cần tiêm một mũi phòng uốn ván. Ngoài ra, nếu lần mang thai thứ 2 cách lần mang thai đầu trên 10 năm, mẹ bầu cũng có thể tiêm phòng  2 mũi uốn ván.

“Các kỳ có thai sau mẹ bầu chỉ cần tiêm một mũi phòng uốn ván, gọi là mũi 3. Hai mũi tiêm phòng uốn ván có giá trị miễn dịch  trong vòng 10 năm. Nếu mẹ bầu đã tiêm 2 mũi uốn ván rồi thì 10 năm sau tiêm nhắc lại hoặc nhắc lại ở những lần có thai sau. Thời gian ngắn nhất để mẹ bầu có thể tiêm nhắc lại mũi phòng uốn ván thứ 3 là 1 năm.

Việc tiêm nhắc lại mũi uốn ván khi mang thai vô cùng cần thiết bởi trước một cuộc sinh, các mẹ cần phòng tránh phơi nhiễm uốn ván, bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi.”, bác sĩ Quyết cho hay.

Những lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

3 tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian phù hợp nhất tiêm phòng uốn ván, tránh 3 tháng đầu mẹ bầu hay bị ốm nghén.

Mẹ bầu cần tiêm phòng uốn ván theo tuổi thai và số lần mang thai. Lần mang thai đầu tiêm 2 mũi phòng uốn ván còn những lần mang thai sau tiêm nhắc lại 1 mũi.

Trường hợp thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván thì hẹn tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng và mũi thứ 2 trước dự kiến sinh ít nhất 1 tháng.

Bộ Y tế quy định trong thời kỳ mang thai bà mẹ chỉ có thể được tiêm phòng uốn ván theo quy định, không được tiêm các mũi khác.

Trường hợp trong thời gian mang bầu nếu mẹ bị chó mèo cắn, bác sĩ sẽ có thể tiêm phòng dại cho mẹ nhưng tùy theo mức độ dịch tễ phơi nhiễm dại mà bác sĩ quyết định tiêm hay không tiêm.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật