Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mạo danh bác sỹ "xịn" và sự thật về chất làm đầy có tên filler

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Ngoài các "chuyên gia tay ngang", nhiều bác sỹ đang làm việc tại các bệnh viện lớn cũng tranh thủ "kiếm thêm" bằng việc bán và nhận tiêm chất làm đầy.

(ĐSPL) - Ngoài các "chuyên gia tay ngang", nhiều bác sỹ đang làm việc tại các bệnh viện lớn cũng tranh thủ "kiếm thêm" bằng việc bán và nhận tiêm chất làm đầy ngay tại nhà cho khách. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó kiểm tra họ có phải là các bác sỹ có chuyên ngành thẩm mỹ hay chỉ là những "tay ngang" chỉ qua đào tạo về kỹ thuật tiêm ở mức "sơ cấp".

Thích đẹp ở đâu, tiêm vào đó?!

Tại một spa trên phố Kim Mã, PV đến "mục sở thị" một “bác sỹ” đang tiêm chất làm đầy cho khách. Nữ “bác sỹ” này tự xưng là Thuý Nga, đang làm tại bệnh viện 108 với kinh nghiệm nhiều năm chuyên cung cấp chất làm đầy "xịn" nhất, tiêm đủ loại từ tiêm mũi, cằm, gò má đến cả mông ngực, tiêm trắng da, bổ sung collagen...

So với các "tay ngang", “bác sỹ” này mặc áo blu trắng, thao tác lau và vệ sinh vùng da bị tiêm nhoay nhoáy, sau khi tiêm thì nắn chỉnh mũi, cằm, môi sao cho khách hàng ưng ý. Mặc dù đã qua đào tạo chuyên nghiệp, nhưng vị “bác sỹ” này vẫn không hề tiêm thử sốc phản vệ cho khách hàng. Khi hỏi kỹ về phương pháp tiêm chất làm đầy, “bác sỹ” Nga khẳng định chất làm đầy mình tiêm là loại "chất mô sinh học" gần gũi với cơ thể con người nên cũng an toàn "nhất quả đất".

Ngoài đăng ký làm dịch vụ tại spa, “bác sỹ” Nga còn nhận làm thêm tại nhà để tránh phải ăn chia với chủ spa, giá cả cũng "hời" hơn nhiều. Tuy nhiên, sau khi thấy khách hàng có vẻ quá tò mò về nguồn gốc của hàng hoá cũng như chế độ bảo hành, mức độ an toàn, “bác sỹ” Nga lập tức từ chối khéo việc làm tại nhà riêng, với lý do để "sắp xếp lịch". Qua mấy ngày, PV đợi mà vẫn không thấy “bác sỹ” này gọi lại.

Sau đó, PV đến bệnh viện 108 kiểm tra mới phát hiện nhân viên Bộ môn - khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình (chuyên khoa duy nhất của bệnh viện có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ) thì từ bác sỹ đến y tá không có ai tên Thuý Nga và mang hình dáng, diện mạo theo như mô tả của phóng viên...

Đọc một topic "sặc mùi" cò mồi dẫn khách trên một diễn đàn webtretho, một "cò làm đẹp" khôn khéo chia sẻ "trong thời gian chăm bố ốm tại bệnh viện 108, chị có làm quen với một “bác sỹ” tên N., “bác sỹ” này nhận tiêm chất làm đầy với giá chỉ khoảng 5 triệu đồng/ml. Trước đây, chị cũng nâng mũi bằng cách tiêm chất này tại một spa trung tâm làm đẹp, mất đến 10 triệu đồng mà chỉ khoảng hơn nửa năm là lại "tẹt". Cách tiêm này tuy rẻ nhưng phải tiêm đi tiêm lại rất nhiều lần. “Bác sỹ” đều cam đoan không hại nên chị cũng... yên tâm. Ai cần số điện thoại của “bác sỹ” này thì inbox riêng cho chị...".  Điều lạ lùng là sau khi liên lạc với "cò", chúng tôi có ngay địa chỉ của một “bác sỹ” tên Thuý Nga, trùng khớp với số điện thoại mà phóng viên đã làm việc trước đó.

Một diễn đàn được nhiều người tin tưởng vô tình trở thành nơi quảng cáo kín đáo của các “bác sỹ chui” nhờ đội ngũ "cò" tung hứng hùng hậu.

Nguy cơ đeo khẩu trang cả trong nhà vì mặt biến dạng

Theo bác sỹ Chu Thanh Hương, bệnh viện Đại học Y cho biết, thời gian vừa qua bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bằng filler hỏng, phải điều trị trong một thời gian dài để khắc phục hậu quả.

Theo bác sỹ Hương, các chất filler tuy đã được chứng nhận an toàn ở Việt Nam nhưng với những cơ sở phẫu thuật "chui", không rõ ràng về nguồn gốc của hoá chất có thể ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm với người sử dụng, tay nghề của các "bác sỹ chui" cũng không đảm bảo.

Nhiều bệnh nhân nghiện "đập đi xây lại" đã phải "khóc ròng" khi đến bệnh viện với chiếc mũi to, bè, cánh mũi lớn, thậm chí làm biến dạng gương mặt thay vì chiếc mũi cao dọc dứa, "như Tây" mong muốn. Trường hợp này, bệnh nhân hoặc "ngậm ngùi" đợi cho thuốc tiêm hết tác dụng sau 8 - 18 tháng hoặc phải tiến hành phẫu thuật cắt cánh mũi, tạo hình lại đầu mũi rất tốn kém, mất một thời gian dài mới có thể liền lại sẹo.

Mới đây, một bệnh nhân ở Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) đến bệnh viện trong tình trạng tiêm filler mũi xong làm hai mắt bị kéo gần lại, nhỏ và xấu khiến bệnh nhân phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài. Trong trường hợp tương tự, nếu làm với phương pháp độn sụn thì người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện thêm một tiểu phẫu là rút miếng sụn ra và thay thế bằng miếng sụn khác kích thước nhỏ và phù hợp hơn. Tuy nhiên, với chất làm đầy thì "vô phương cứu chữa", mọi phương pháp phẫu thuật nếu áp dụng trong trường hợp này sẽ dễ để lại sẹo, gây biến dạng mũi.

Mặt khác, với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui, nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất vẫn là hầu hết đều bỏ qua khâu test phản vệ. Các cơ sở này lại không đủ phương tiện máy móc để cấp cứu, hỗ trợ nếu có rủi ro xảy ra. Dẫu filler đã được chứng nhận an toàn nhưng tỷ lệ gây phản ứng với cơ thể không phải không có. Trong thành phần của chất làm đầy thường có thuốc tê có thể gây ra sốc phản vệ. Do đó, trước khi tiêm, bác sỹ nên test lẩy da, hoặc hỏi kỹ bệnh nhân về tình trạng bệnh lý, tiền sử dị ứng với các bệnh hen phế quản, chàm, mẩn ngứa, phù Quicke,... các dị ứng với thức ăn, côn trùng... Tại các nước phát triển, tỷ lệ tử vong mỗi năm do sốc phản vệ là 5-6 người/1 triệu dân.

Trong quá trình tiêm, chất làm đầy được đưa vào cơ thể bằng những mũi kim để xoá nhăn mí mắt, nâng  mũi, tạo hình cằm, nâng ngực, độn mông,... Mặc dù các thẩm mỹ viện và các spa "chui" đều quảng cáo không gây đau đớn, không biến chứng nhưng thực tế có nhiều bệnh nhân phải đến bệnh viện với tình trạng vết tiêm bị sưng tím nghiêm trọng. Với những bệnh nhân này, bác sỹ thường chỉ định dùng viên ngậm Alpha Choay ngày từ 4-6 viên để chống viêm sưng.

Teo, giãn cơ, có thể “đơ mặt” vì quá lạm dụng tiêm filler

Theo đánh giá của bác sỹ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật- tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba) cho biết: Bất kỳ xâm lấn ngoại khoa nào cũng có những ảnh hưởng tới cơ thể người sử dụng. Đặc biệt, các chất trong mỗi mũi tiêm filler còn có thể lây lan ra các vùng khác trên cơ thể, dẫn đến tình trạng giãn cơ, mất cơ, thậm chí làm gia tăng lượng mỡ để thay thế. Nếu quá lạm dụng phương pháp này, có thể bị teo cơ và lão hóa nhanh hơn". Cách đây chưa lâu, bác sỹ Thái phải giải quyết "hậu quả" cho một trường hợp bị biến chứng với các vết thâm tím sau khi tiêm chất làm đầy không đảm bảo chất lượng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội.

Khó “xử” vì quản lý chồng chéo

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra sở Y tế Hà Nội cho biết, việc kiểm tra xử lý các spa vi phạm rất khó. Bởi các cơ sở massage, spa chăm sóc da, thẩm mỹ viện có nhiều hoạt động liên quan đến sức khỏe con người lại do sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND quận, huyện nơi spa hoạt động xử lý cấp giấy phép kinh doanh; sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy đào tạo nghề. Sở Y tế không cấp phép nên việc thanh kiểm tra các cơ sở này rất khó khăn.

Tin nổi bật