Việc chuẩn bị những món ăn truyền thống cho ngày Tết vừa ấm tình thân vừa giúp các nàng dâu gắn kết hơn với mẹ chồng khi cả hai có dịp cùng trổ tài “nữ công gia chánh”.
Mứt dừa
Mứt dừa là một loại món ngon cổ truyền và được nhiều người lựa chọn trong khay mứt Tết mỗi độ xuân về. Mứt dừa đặc trưng ở vị thơm ngọt và màu sắc của nó. Loại mứt này rất đa dạng và thú vị nhờ các cách làm khác nhau tùy theo sở thích của từng người. Vào những ngày đầu xuân họp mặt, nhâm nhi mứt dừa thơm ngon, ngọt bùi, cùng thưởng thức tách trà nồng nàn, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên không khí ấm áp trong gia đình, thắt chặt tình bằng hữu.
Cách làm
Để miếng mứt dừa làm ra được ngon hơn thì một trong những bước quan trọng đầu tiên là mua dừa. Một mẹo nhỏ là bạn nên mua cùi dừa không quá già hoặc quá non.
Bước 1: Nạo cùi dừa
Bước 2: Cho tất cả cùi dừa vào 1 bát tô loại to rồi trộn lượng đường trắng như trong phần nguyên liệu đã hướng dẫn vào. Trộn đều tay. Nhớ làm nhẹ nhàng để dừa không bị gãy. Cứ 1 lớp dừa lại rải 1 lớp đường.
Sau đó, đậy lại và ngâm trong vòng từ 6 – 8 tiếng, bạn sẽ thấy dừa có màu trắng trong như trong ảnh.
Lúc ngâm, khi đường tan hết thành nước thì để ý 30 phút đảo 1 lần cho dừa ngấm đều.
Bước 3: Bật bếp cho chảo nóng già sau đó vặn nhỏ lửa rồi cho dừa vào đảo. Lúc này bạn cần tập trung và đảm bảo được các kỹ thuật đảo như sau: Đảo đều, để dừa ngấm đều, đường không bị vón cục cũng như không bị cháy; Đảo nhẹ tay để dừa không bị gãy; Lửa để nhỏ vừa phải.
Đảo được 1 lát, khi nước đường bắt đầu cạn gần hết thì cho sữa tươi không đường hoặc vani vào và tiếp tục xao để dậy mùi thơm. Lưu ý sau khi đã thêm sữa, để lửa thật nhỏ vì dừa dễ bị vàng.
Lúc này bạn cũng sẽ thấy có nhiều phấn đường màu trắng bám quanh sợi dừa. Hãy tắt bếp nhưng vẫn tiếp tục đảo thêm 1 chút cho nguội dần rồi mới cho ra đĩa loại to hoặc bất kỳ vật dụng nào hợp lý.
Dàn mỏng và nong nong cho dừa nguội hẳn rồi để ở nơi sạch sẽ (vì lúc này dừa dính đường nên rất dễ bám bụi), thoáng mát gần chỗ nắng cho dừa săn lại và trắng hơn. Phơi cho đến khi mứt dừa khô lại là bạn đã hoàn thành món mứt dừa.
Hành tím muối xổi
Nếu quá bận bịu mà không thể chuẩn bị sớm món hành muối chua bạn có thể thay bằng món hành muối xổi. Sau một đêm bạn sẽ có món hành tím muối xổi tuyệt ngon, hành giòn, vị chua ngọt vừa ăn sẽ là món ăn chống ngán hữu hiệu cho ngày tết của gia đình bạn.
Cách làm
Bước 1: Hành tím bỏ vỏ, rửa sơ qua bằng nước sạch để ráo, ngâm hành với nước gạo qua đêm.
Bước 2: Vớt hành ra khỏi nước gạo, bóc lớp vỏ bên ngoài, cắt rễ và đầu cho gọn gàng, rửa lại thật sạch với nước đun sôi để nguội, để ráo nước rồi cho vào hũ trộn với 3 thìa canh đường, để 4 tiếng cho ngấm.
Bước 3: Pha hỗn hợp gồm giấm, đường muối theo tỷ lệ: 3 giấm, 1 đường, 1 muối. Đun sôi và để thật nguội rồi cho vào hũ hành muối. Sau một đêm là bạn có thể đem ra thưởng thức.
Món hành tím muối xổi vẫn còn nguyên màu tím hấp dẫn, hành giòn, vị chua ngọt vừa ăn kết hợp cùng thịt đông, bánh chưng, các loại giò chả vô cùng ngon miệng.
Canh măng móng giò
Trong mâm cỗ Tết truyền thống, thật ít khi vắng món canh măng khô móng giò ngon mềm, béo ngậy.
Cách làm
Bước 1: Măng rửa sạch, ngâm qua đêm (có thể ngâm 2, 3 đêm, thay nước hàng ngày) cho măng nở hết.
Bước 2: Măng sau khi đã ngâm nở, xé nhỏ hoặc thái miếng tùy ý.
Bước 3: Luộc măng với nước lạnh, nước ngập mặt, luộc vài lần cho đến khi nước luộc măng trắng thì dừng, vớt ra xả với nước lạnh cho sạch.
Bước 4: Xào sơ măng với chút muối và nước mắm cho sợi măng ngấm gia vị.
Bước 5: Móng giò, xương rửa sạch sẽ, xát muối cho hết mùi, sau đó đem trần sơ với nước lạnh để nước dùng được trong.
Bước 6: Cho móng và xương vào nước, ninh trong khoảng 30 phút, nếu có bọt thì hớt hết bọt để nước dùng được trong.
Bước 7: Tiếp tục cho măng đã xào sơ vào nồi xương và móng để ninh đến khi măng mềm, móng chín nhừ là được. Cuối cùng nêm nếm lại gia vị để canh măng khô móng giò vừa miệng ăn và tắt bếp.
Thịt nấu đông
Món thịt đông từ khi nấu đã tỏa mùi thơm hấp dẫn, đến khi ăn thì bạn càng cảm nhận rõ hơn vị ngon rất đặc biệt của món ăn truyền thống này.
Cách làm
Bước 1: Thịt chân giò, da heo mua về cạo sạch lông ở da, rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn.
Bước 2: Hành khô băm nhỏ. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở vào 2 bát riêng rồi thái sợi.
Bước 3: Ướp thịt với 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa canh nước mắm, chút gia vị, 1/3 chỗ hành khô đã băm nhỏ khoảng 25-30 phút.
Bước 4: Dùng 1/3 chỗ hành khô phi thơm với dầu ăn. Cho thịt vào đảo đến khi hơi săn lại.
Bước 5: Đổ nước ngập mặt thịt, dùng cả phần nước ngâm nấm gạn bỏ cặn cho vào cùng, đun sôi rồi hớt bọt, hầm trong khoảng 30-40 phút đến khi thịt chín mềm. Trong quá trình hầm nếu vẫn có bọt thì bạn cứ tiếp tục hớt đến khi hết bọt thì thôi nhé.
Bước 6: Dùng chỗ hành khô còn lại tiếp tục phi thơm với 1 chút dầu ăn. Cho nấm hương và mộc nhĩ vào xào săn, nêm chút gia vị.
Đến khi thịt gần được thì cho nấm và mộc nhĩ vào, đun sôi thêm 3-5 phút nữa thì tắt bếp, rắc hạt tiêu vào đảo đều.
Bước 7: Rắc hạt tiêu và cà rốt, hoặc rau mùi xuống đáy bát để trang trí. Chờ thịt nguội bớt thì múc vào bát, để vào ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn dùng dao sắc khoét vòng quanh bát rồi úp thịt ra đĩa.
Chè con ong
Đối với mỗi gia đình, việc nấu chè vào mỗi dịp Tết đến Xuân về đã trở thành thói quen, nét đẹp truyền thống. Trong bữa cơm tất niên hay cúng giao thừa, chè con ong là món chẳng thể thiếu.
Đĩa chè nhỏ xinh, lấm tấm những hạt vừng, có vị ngọt của mật mía, thơm tinh khiết của mật ong và cay của gừng già. Vị ngọt ngào đến cháy lòng ấy tan ra nơi đầu lưỡi khi mới cảm nhận. Chính món ăn truyền thống này đã góp phần làm nên một cái Tết thật ngọt ngào.
Cách làm
Bước 1: Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm vo lại lần nữa cho sạch. Để ráo nước rồi cho vào chõ đồ xôi, Đến khi xôi chín mềm thì rưới 10ml dầu mè vào rồi xới tơi lên, đồ thêm 5-7 phút là được.
Bước 2: Bắc nồi lên bếp để nấu chè, đổ đường với 250ml nước vào nồi, ngoáy tan và đun sôi. Đến khi hỗn hợp nước đường bắt đầu sôi thì cho ½ số gừng giã vào.
Bước 3: Khi nước đường sôi sục lên thì bạn cho xôi vào và đảo đều lên. Đảo đến khi xôi với đường hòa quyện và đồng nhất thì cho nốt chỗ gừng còn lại vào đảo tiếp 1-2 phút thì tắt bếp, bắc ra. Rắc lạc và vừng lên trên.
Bước 4: Xôi đổ ra đĩa sâu lòng hoặc cho vào khuôn ép lấy hình.
Thu Hằng (T/h)