(ĐSPL)- Chỉ với tấm thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư nhân dân, một sinh viên có thể đem đặt tại các cửa hàng cầm đồ để vay được hàng chục triệu đồng. Mặc dù được ngụy trang dưới cơ sở cầm đồ nhưng thực chất đây chính là hoạt động tín dụng đen, cho vay với mức lãi "cắt cổ".
Tranh giành chỗ dán tờ rơi quảng cáo tín dụng đen
Việc tín dụng đen hướng đến sinh viên không phải là chuyện mới. Bởi, đã từ lâu, giới sinh viên có lượng khách hàng đông đảo và dễ sập "bẫy" các ông chủ chuyên sống bằng cách "cắt cổ" người khác. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV báo Đời sống pháp luật, thời gian sinh viên thi kết thúc năm học được xem là thời điểm "ăn nên làm ra" nhất của giới tín dụng đen. Chẳng thế mà, hiện nay ở nhiều cổng trường đại học, cao đẳng ở địa bàn Hà Nội đều chứng kiến cuộc "đổ bộ" của các "tổ chức" tín dụng đen. Mới đây nhất, sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội kháo nhau về vụ ẩu đả giữa hai "nhân viên" của hai tiệm cầm đồ, tranh giành chiếc cột điện dán tờ rơi cầm đồ, vay tiền "uy tín, lãi rẻ".
|
Những lời quảng cáo cho vay tiền tràn ngập ở các cổng trường ĐH, CĐ. |
N.M.L., 26 tuổi, quê Thanh Hóa, cựu sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội từng được xem là một "khách hàng VIP" của hầu hết các hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi khu vực phố Nhổn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Sau bốn năm học, ngoài tấm bằng đại học loại trung bình phải chật vật mới lấy được, "thành tích" của L. được bạn bè nhắc đến là gia đình phải năm lần từ quê "vác" tiền ra trả nợ. Chỉ trong bốn năm học, gã sinh viên này đã "phá" của gia đình gần 400 triệu đồng. L. bảo, muốn biết tín dụng đen tấn công sinh viên như thế nào, chỉ cần đứng ở cổng của các trường ĐH,CĐ tại Hà Nội khoảng hai tiếng đồng hồ là biết liền. Từ cột điện, bờ tường, hộp kỹ thuật điện đến bến xe bus, tất cả đều được các "nhân viên" của tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi tận dụng triệt để dán tờ rơi. Thậm chí, tờ rơi này vừa dán hôm trước thì ngay hôm sau đã bị chèn lên bởi lời quảng cáo của hiệu cầm đồ khác. Để được "bền", họ còn làm khuôn in mực vào bảng thông tin của các trường kiểu khoan cắt bê tông. Tất cả thông tin từ số điện thoại, địa chỉ của chủ tín dụng đen đều được công khai. Nếu "thượng đế" nào có nhu cầu, chỉ cần nói địa chỉ, nhân viên tín dụng đen sẽ tìm đến tận nơi làm "thủ tục".
Khi PV hỏi về cách thức để được vay tiền từ các "tổ chức" tín dụng đen, L. cười nhạt cho biết: "Thủ tục" để sinh viên được vay tiền nó cũng dễ dàng như cách chủ tín dụng "móc tiền" từ túi khách hàng. Với bốn "tờ giấy có màu" như chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, thẻ sinh viên, em có thể vay được bốn khoản tiền khác nhau. Mỗi khoản cũng lên đến cả chục triệu đồng. Khi vay, em chỉ cần ghi tên tuổi, khoa, trường học và địa chỉ ở quê là xong. Trong giới tín dụng đen có một "điều luật", càng sinh viên trường lớn thì số tiền vay được càng nhiều".
Theo L. mặc dù "thủ tục" để vay cả chục triệu đồng chỉ với tờ giấy viết tay nhưng chẳng "thượng đế" nào dại dột mà "bùng". Bởi, khi quá hạn không trả được, chủ tín dụng đen sẽ đánh giấy nợ lên nhà trường. Làm như thế đồng nghĩa sinh viên bị nhà trường cấm thi và giữ bằng. Khi nhà trường "vào cuộc" mà sinh viên vẫn "lẩn" thì đám đầu gấu sẽ về tận quê "hành" phụ huynh.
L. chia sẻ: "Sinh viên hiện nay lô đề, "bóng bánh" là chuyện thường. Việc cho chủ tín dụng đen biết địa chỉ ở quê nên sinh viên "thách kẹo" cũng chẳng dám quỵt tiền. Thế nên đến hạn không "xoay được", sinh viên đành phải về nhà thú nhận với gia đình rồi xin tiền mang ra trả nợ. Em chắc rằng, mùa Word Cup tháng sáu tới không ít sinh viên bị giữ bằng, cấm thi vì tín dụng đen. Euro năm 2012, vì trót đam mê "bóng bánh" mà ba lần em phải gọi điện về cho bố mẹ mang tiền ra trả. Khi đó đúng vào thời điểm nhà trường chuẩn bị cấp bằng. Sợ chúng nó đánh giấy lên khoa, bố mẹ em phải nhắm mắt, bán đất, bán nhà trả nợ".
"Kỹ nghệ" mở rộng khách hàng của dân tín dụng đen
Theo lời L., việc cho vay số lượng nhiều tiền với thủ tục đơn giản để dụ dỗ sinh viên là chuyện "xưa như trái đất". Hiện nay, để mở rộng khách hàng, giới tín dụng đen đang áp dụng cách "người bảo lãnh người".
Thấy PV không hiểu, L. phân tích: "Khi đến ngày trả tiền gốc, nếu em không có tiền trả thì bọn chúng sẽ bày cho "phương án 2". Khi đó, chỉ cần em gọi được một người bạn ra bảo lãnh rằng, một tháng sau sẽ trả cả gốc cả lãi thì sẽ được gia hạn. Khi đó, bạn của em sẽ làm giấy, đưa một "tờ giấy có màu" như chứng minh hoặc thẻ sinh viên cho chúng là OK. Khi đó, em không còn nợ một mình nữa mà bạn em cũng sẽ bị chúng tìm đến khi số nợ kia đến hạn.
Lúc này, lãi suất tiền vay được tính lên gấp ba lần bình thường. Rồi một tháng trôi qua, em vẫn chưa có tiền trả thì phải gọi thêm một bạn nữa đứng ra bảo lãnh cho cả em với bạn thứ hai. Lúc này, lãi suất lại tăng thêm một nấc mới. Cứ như thế, người này bảo lãnh cho người kia, có khi chỉ trong một thời gian, cả mấy chục người bị "cuốn" vào đường dây tín dụng đen".
|
L. tâm sự với PV về chiêu trò của tín dụng đen. |
Khi không còn ai để bảo lãnh nữa thì số tiền gốc và lãi đã trở nên khổng lồ. Lúc này, chủ tín dụng mới dọa sẽ gửi giấy đến nhà trường và tìm về quê tất cả những ai liên đới để đòi tiền. Để có tiền trả nợ, những "thượng đế" khổ sở phải lôi hết giấy tờ này đến giấy tờ khác ra để cầm cố vay tiền ở chính nơi mình "dính chàm". Từ một người, chủ tín dụng đen đã lôi được cả chục người khác vào "cuộc chơi" mà cái kết hầu như ai cũng nắm được.
"Đó người ta gọi là bạn bè giúp nhau thành giết nhau. Lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lãi "sinh sản vô tính" theo ngày, từ mấy chục triệu đồng vay ban đầu lên đến cả trăm triệu đồng. Nhiều con nợ không dám về xin tiền nhà trả nợ, đành bỏ học, trốn biệt tích. Nhưng, họ đâu có ngờ rằng, xã hội đen tìm về quê, các bậc phụ huynh vẫn phải "nôn" tiền ra vì con mình trót "nhúng chàm", L. chia sẻ.
Khó xử lý đối tượng cho vay nặng lãi? Trao đổi với PV báo Đời sống Pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Túy (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay, dù hoạt động cầm đồ, cho vay nặng lãi đang phát triển nở rộ và cũng là nơi phát sinh tội phạm nhưng việc xử lý đối với những cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, việc chứng minh tội phạm này không hề đơn giản… Bên cạnh đó, mặc dù ai cũng biết các hiệu cầm đồ thường cho vay với mức lãi suất cao nhưng thực tế chưa có ai bị xử lý hình sự vì thiếu quy định pháp luật cụ thể về đối tượng này. Theo quy định hiện hành, cá nhân hoặc doanh nghiệp nếu đủ điều kiện muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ chỉ cần lên phòng Kinh tế quận, huyện hoặc sở Kế hoạch - Đầu tư làm giấy phép đăng ký kinh doanh. Tiếp đó lên công an cấp quận, huyện làm thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Trong đó, cá nhân hoặc doanh nghiệp đó phải xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động, đăng ký thuế… Và nếu như có sai phạm bị xử lý, chủ hiệu cầm đồ lại có thể hành nghề bằng đăng ký mới đứng tên người khác. |