Theo tờ China Highlights, tháng 7 Âm lịch là thời điểm quỷ môn mở rộng và cho phép vong hồn quay về. Trong hàng nghìn năm, tháng 7 bị coi là thời điểm đáng sợ nhất trong năm.
Trong cuốn Phong tục thờ cúng của người Việt do NXB Văn hóa Thông tin phát hành có viết: "Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày rằm tháng bảy, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc".
Vào tháng cô hồn, người ta quan niệm rằng, ma quỷ sẽ đi lang thang khắp nơi để quấy phá, mang lại tai ương cho con người. Vì vậy, ngoài các cỗ cúng, lễ cúng ở các gia tự, người ta còn bày cỗ cúng cho các cô hồn tại cầu, quán, đình, chùa và gọi là cúng cháo.
"Lễ vật để cúng cháo có cháo hoa nấu bằng gạo, cơm nắm vắt thành nắm nhỏ, hoa quả, bánh, bỏng, trầu cau, xôi chè và đồ vàng mã. Khi cúng xong, các cô hồn, những người nghèo, trẻ em giành và chia nhau các thứ đó" - tác giả Bùi Xuân Mỹ liệt kê.
Các chuyên gia khẳng định, nguồn gốc của tháng cô hồn không hẳn là bắt nguồn từ Trung Quốc. Các nền văn hóa ở khác như Ấn Độ, Campuchia hay Nhật Bản đều có chung niềm tin về tháng 7 Âm lịch, và những truyền thống này có thể xuất hiện trước cả đạo Phật.
Theo TS. Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn có từ lâu và mang tính phổ biến.
Tại Việt Nam, dân gian cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn.
“Vào thời điểm này, các chùa cũng thiết lập trai đàn chẩn tế để "tài pháp nhị thí" cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời”, TS Lộc nói thêm.
Theo ông, phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng bi mẫn. Việc này thể hiện qua sự quan tâm, chia sẻ đối với những người kém may mắn, bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh lại có những lý giải riêng về nguồn gốc của quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn.
Dưới góc nhìn của Lý học Đông phương, ông cho rằng, tháng 7 Âm lịch là tháng thứ chín, tính từ tháng Một Việt lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu và Bảy).
Theo chu kỳ Cửu cung, tháng này nhập trung cung Hà Đồ, tương ứng với độ số 10 của Thiên Can Quý thuộc thủy. Tháng này có Thiên can là Âm Thủy và thiên can Quý đang quản trung cung. Do đó, theo Lý học Việt, tháng này âm khí rất vượng.
Ông viết: “Chúng ta ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy tháng 7 Âm lịch có thời tiết phổ biến là mưa gió sụt sùi (mưa ngâu), hoặc mưa, bão, lũ lụt.. gây cho không khí ẩm ướt... Lúc này mỗi chúng ta đứng ở vị trí địa hình khác nhau sẽ chịu tương tác khác nhau của âm khí”.
“Chính vì tính thể hiện âm khí vượng, nên nó được mô tả bằng "Địa Ngục" ("Địa" là Đất/Thổ; "Ngục" là hình tượng mô tả khí chất dưới đất) và nó được dựng lên thành những truyền thuyết liên quan đến "tháng cô hồn" với những ma quỷ từ địa ngục chui lên, hoành hành trên thế gian”, ông lý giải thêm.
Trong tháng 7 Âm lịch còn có lễ Vu Lan báo hiếu và Xá tội vong nhân là những lễ được nhiều gia đình chú trọng.
Ngày lễ Vu Lan hàng năm được tổ chức long lọng nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan toả khắp cả đất nước Việt Nam.
Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.
Theo quan niệm của dân gian, trong khi lễ Vu Lan đề cao sự báo hiếu thì lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian.
Có thể thấy, có nhiều cách lý giải về quan niệm cho rằng tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, các lý giải ấy vẫn chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc trong cuộc sống vào dịp tháng 7 Âm lịch.
Thùy Dung (T/h)