Đến ngày Vu Lan, nhiều người Việt sẽ cài một bông hoa màu đỏ lên áo, đó là biểu tượng của việc còn cha mẹ, còn những người đã mất mẹ thì cài hoa màu trắng.
Thông thường, các chùa sẽ tổ chức lễ cúng Vu Lan vào đúng ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Nhưng cũng có một số chùa sẽ tổ chức trước 1 - 2 ngày tùy tình hình thực tế của địa phương.
Ngay từ ngày đầu tháng 7 Âm lịch, những người còn cha mẹ đã đi chùa hoặc ăn chay nguyên tháng để cầu sức khỏe, an lạc cho đấng sinh thành. Còn những người cha mẹ đã quá vãng thì cầu mong cho cha mẹ được siêu sanh tịnh độ.
Từ một triết lý của nhà Phật, qua quá trình du nhập và phát triển trên 2.000 năm tại Việt Nam, đến nay giá trị văn hóa này đã trở thành một đạo nghĩa của dân tộc, trong đó, nghi thức "cài hoa hồng lên áo" mang một ý nghĩa rất đặc biệt.
Nghi lễ "bông hồng cài áo" là điều không thể thiếu trong ngày Vu lan báo hiếu. Ảnh minh họa |
Nghi lễ "bông hồng cài áo" là điều không thể thiếu trong ngày Vu lan báo hiếu. Những người tham gia đại lễ không phân biệt tuổi tác, địa vị, chỉ cần mang trong mình sự thành kính khi đón nhận bông hoa hồng cài lên ngực áo.
Những người còn cha mẹ sẽ được cài một bông hồng đỏ (hoặc hồng) lên ngực áo, những người không còn cha mẹ thì được cài một bông hoa trắng. Rồi cùng nhau thắp nến tri ân cha mẹ, tụng kinh cầu siêu cho những người thân yêu đã khuất.
Nói về nguồn gốc của việc cài hoa hồng trắng và đỏ, TS Dương Hoàng Lộc cho biết, phong tục cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng vào dịp Vu lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỉ trước để tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho lễ hội này, nhất là để con cái nhớ về cha mẹ mình, dù cha mẹ còn hay mất.
Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Chính vì điều đó, Vu Lan cũng là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về mẹ cha.
Vũ Đậu (T/h)