Nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng, việc dùng từ “tố cáo thân chủ” trong luật là khá nặng nề, nên chăng dùng từ khác để làm giảm mức độ nghiêm trọng.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đang là dự án luật gây tranh luận nhất tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV tính đến thời điểm này, trong đó có Điều 19 về không tố giác tội phạm.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII – Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng để tìm hiểu sâu sự việc.
Thưa ông Trần Ngọc Vinh, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 Điều 19 quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Như chúng ta đã biết, khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh. |
Tuy nhiên, theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự mới (điều 19) thì luật sư phải tố cáo thân chủ với những tội đặc biệt nghiêm trọng và xâm phạm an ninh Quốc gia.
Về vấn đề này, chúng ta có nên xem xét lại từ tố cáo hay dùng từ khác. Ở một số Quốc gia khác họ cũng quy định những tội xâm hại đến an ninh Quốc gia thì luật sư phải thông tin tới cơ quan chức năng biết. Tuy nhiên, câu từ họ sử dụng là thông tin, hoặc thông báo, không sử dụng từ “tố cáo” bởi nó gây nặng nề và dễ gây rạn nứt mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ.
Trong Hiến pháp 2013 có quy định rõ quyền con người và nghĩa vụ công dân. Luật sư có quyền con người nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ công dân. Nghĩa vụ công dân là bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, đấu tranh chống lại những kẻ xâm phạm tới an ninh Quốc gia. Luật sư không thể nằm ngoài những nghĩa vụ đó. Nếu họ biết thân chủ của mình có khả năng xâm phạm đến an ninh quốc gia, Luật sư với góc độ là quyền con người, quyền công dân cũng phải có nghĩa vụ thông báo với cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi đó, tránh gây ảnh hưởng tới mọi người, tới xã hội.
Như ông vừa đề cập, khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Luật sư phải bảo mật thông tin của thân chủ, tuy nhiên quy định mới lại yêu cầu Luật sư tố cáo thân chủ của mình. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Đây là vấn đề chúng ta cũng cần phải xem lai, bởi có thể quy định của hai điều sẽ vênh nhau khi một bên yêu cầu Luật sư bảo mật thông tin, nhưng một bên bắt Luật sư phải tố giác thân chủ với những tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc xâm hại đến an ninh quốc gia.
Theo ông phải làm gì đề điều luật này có thể đi vào thực tiễn?
Đây là vấn đề vẫn còn đang tranh luận, theo tôi điều luật này phải nêu rõ trình tự, thủ tục để Luật sư thông tin tới cơ quan chức năng khi phát hiện thân chủ có tội xâm phạm đến an ninh quốc gia hay tội đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, Luật cũng cần quy định rõ, trách nhiệm đối với Luật sư khi không khai báo sẽ ra sao? Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vậy thế nào là đặc biệt nghiêm trọng…
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe ông!