(ĐSPL) - Một số người quá khích hò nhau lột hết quần áo, trói tay, tấn công người này bị thương nặng rồi chụp ảnh tung lên mạng. Sự việc vừa xảy ra tại thôn Hà Vỹ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội).
Trong một diễn biến mới nhất, Đại tá Đặng Hữu Tín, Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) xác nhận, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự một nam thanh niên liên quan tới vụ trộm 2 chiếc điện thoại trị giá khoảng 10 triệu đồng xảy ra trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, ngày 31/7, thanh niên này lang thang vào khu vực xã Hà Vỹ (huyện Thường Tín) rồi trộm điện thoại và bị người dân phát hiện, bắt quả tang. Nhiều người dân trong xã lao đến bao vây, đấm đá tên trộm.
Một số người quá khích hò nhau lột hết quần áo, trói tay, tấn công người này bị thương nặng rồi chụp ảnh tung lên mạng. Sự việc vừa xảy ra tại thôn Hà Vỹ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội).
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng công an đến hiện trường, đưa nghi phạm về trụ sở để sơ cứu và điều tra. Theo ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng công an xã Lê Lợi, khi công an xuống hiện trường khá nhiều người dân vẫn còn bức xúc. Công an xã đã phải bảo vệ và đưa tên trộm vào trạm xá xã sơ cứu.
Kẻ trộm bị đánh được xác định là Phùng Văn Dương (30 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Dương từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản.
|
Đối tượng Phùng Văn Dương tại trạm y tế. |
Nói về việc đánh đập tên trộm rồi chụp ảnh tung lên mạng, một số người dân nơi đây cho rằng, đó là hành động chính đáng nhằm cảnh tỉnh những kẻ có sức vóc lười lao động, đi trộm cắp. Tuy nhiên, không ít người đã bày tỏ thái độ bức xúc: "Đánh đập người ta đến ngất, lột quần áo rồi chụp ảnh tung lên mạng như thế thì đúng là hơi quá".
Có dấu hiệu của tội làm nhục người khác
Theo quan điểm của Luật gia Anh Đức: "Trước hết, tôi bày tỏ thái độ đồng cảm với những bức xúc của người dân, bởi hành vi trộm cắp là không thể chấp nhận. Thế nhưng, trong xã hội thượng tôn pháp luật, các hành vi vi phạm đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, không ai được quyền "tự xử" gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự cũng như nhân phẩm của người phạm tội.
Trong trường hợp này, việc một số người dân túm vào đánh đập, trói tay, chụp ảnh tên trộm điện thoại rồi tung lên mạng có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, người phạm tội làm nhục người khác phải là người có hành vi (bằng lời nói và hành động) xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác như: Lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông...
Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình... Như vậy, chỉ vì thiếu hiểu biết, không làm chủ được hành vi, người dân có thể vô tình vi phạm pháp luật.
Trở lại vụ việc trên, do đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nên người dân có quyền bắt giữ và áp giải đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình bắt giữ, tên trộm có chống lại thì người dân cũng có thể trói chân, tay. Tuy nhiên, hành vi lột sạch quần áo, chụp ảnh tung lên mạng là có dấu hiệu làm nhục người khác. Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự nếu tội phạm được cấu thành.