Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lừa đảo hơn 1,35 tỷ đồng của người nghèo, giám đốc Công ty Visa World bị truy tố

(DS&PL) -

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự nhẹ dạ cả tin của người lao động nghèo, Khương đã ra thông báo, thu hồ sơ và nhận tiền đặt cọc để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,35 tỷ đồng.

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự nhẹ dạ cả tin của người lao động nghèo, Khương đã ra thông báo, thu hồ sơ và nhận tiền đặt cọc đưa người ra nước ngoài lao động để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,35 tỷ đồng.

TTXVN đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can La Thanh Khương (sinh năm 1976, trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự.

Bị can Khương là Giám đốc và đại diện theo pháp luật của cả hai Công ty Trách nhiệm hữu hạn Visa World và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại quốc tế Đông Phương Việt Nam.

La Thanh Khương lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,35 tỷ đồng (Ảnh: báo VOV)

Báo VOV dẫn nguồn từ cáo trạng cho biết, Khương lập công ty từ năm 2006, đến năm 2015, Visa World đã 9 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Không được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài, nhưng nữ giám đốc lại lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự nhẹ dạ cả tin của người lao động nghèo "nổ" mình có mối quan hệ với Bộ LĐ-TB&XH có thể đưa người đi lao động nước ngoài như Tây ban Nha, Đài Loan, Ba Lan… với mức lương trung bình hàng nghìn USD. 

Đa số người tìm đến La Thanh Khương đều là những người nghèo ở các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Nghệ An….

Công ty không có chi nhánh ở Hà Nội, Khương mượn văn phòng của Công ty Đông Phương làm địa điểm giao dịch với người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Để có suất ra nước ngoài làm việc, Khương yêu cầu phải đặt cọc từ 2000 USD đến 3000USD và chi phí đi xuất khẩu lao động là 9000USD/trường hợp. Đồng thời, Khương còn thu thêm 6 triệu – 10 triệu đồng để thực hiện chi phí gọi là tổ chức cho người lao động học ngoại ngữ, khám sức khỏe, định hướng nghề nghiệp…

Liên quan đến vụ việc, báo Công an nhân dân cho hay, tin tưởng vào những lời hứa hẹn của nữ giám đốc, rất nhiều bị hại đã phải vay tiền ngân hàng để nộp hồ sơ cho Khương.

Một trong số đó là anh Nguyễn Bá Đạt (trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Hoàn cảnh của anh Đạt éo le, hiện giờ, anh và gia đình hàng tháng phải gồng mình trả một khoản nợ không nhỏ của ngân hàng.

Để được xuất khẩu lao động, anh Đạt đã vay mượn của ngân hàng nộp cho Khương 65 triệu đồng, nhưng chờ đợi mãi không có kết quả, yêu cầu trả tiền không được hồi đáp, anh Đạt đã trình báo cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Khương khai nhận: Trong tổng số tiền đã nhận của những người lao động, Khương đã chuyển cho đối tác Đài Loan 114 triệu đồng để làm thủ tục cho chị Phạm Thị Lan (ở Quảng Bình) đi Đài Loan; chuyển 12 nghìn USD và gần 70 triệu đồng để nhờ Công ty ISG làm thủ tục cho 6 lao động đi Tây Ban Nha...

Khi các lao động trên không đi xuất khẩu lao động, phía đối tác Đài Loan và Công ty ISG đã trả lại cho Khương toàn bộ số tiền đã đặt cọc nhưng Khương sử dụng để chi tiêu cá nhân.

TTXVN cũng cho biết thêm, từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2016, La Thanh Khương đã nhận tiền của 21 người với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng và 8.600 USD. Đến nay, La Thanh Khương đã trả cho một số bị hại được 248 triệu đồng và nộp khắc phục hậu quả hơn 200 triệu đồng. Hiện, Khương còn chiếm đoạt của các bị hại hơn 1,35 tỷ đồng.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật