(ĐSPL) - “Việc khởi kiện buộc các nhà máy thuỷ điện đền bù thiệt hại cho người dân trong việc xả lũ là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Thủ tục và căn cứ khởi kiện không phức tạp và rườm rà như nhiêu người đặt nghi vấn.
Để khởi kiện bắt nhà máy thuỷ điện đền bù thiệt hại hiện phụ thuộc vào thái độ quyết liệt trong triển khai của những người đại diện cho người dân bị thiệt hại và sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở”. Đó là ý kiến của Luật sư Phan Trung Hoài - Uỷ viên Ban Thường vụ - Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi trao đổi với báo ĐS&PL.
Theo Luật sư Phan Trung Hoài thì việc đặt vấn đề khởi kiện một số công ty, chủ đầu tư các công trình thủy điện để đòi bồi thường thiệt hại do xả lũ hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, về mặt pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược và chương trình hành động quốc gia giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 đối với vùng duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và hải đảo...
Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy ràng buộc trách nhiệm trong quản lý, quy hoạch, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và quyền lợi, trách nhiệm của các chủ đầu tư liên quan đến việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Trong đó phải kể đến Luật Tài nguyên nước ban hành năm 1998, các Nghị định 179 ngày 30/12/1999, số 72 ngày 7/5/2007 và số 113 ngày 20/10/2008 của Chính phủ, Thông tư số 34 ngày 7/10/2010 của Bộ Công thương...
Các văn bản pháp luật trên đã quy định tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, phát điện..., nhưng phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và thực hiện nghĩa vụ tài chính bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời phải có phương án bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt cho hạ lưu phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, thì thủ tục và căn cứ khởi kiện không phức tạp và rườm rà như nhiều người nghĩ. Vấn đề hiện nay nằm ở thái độ có thực sự quyết liệt trong triển khai của những người đại diện cho người dân bị thiệt hại và sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở.
Để khởi kiện, người dân bị thiệt hại có thể thông qua hội Nông dân địa phương hoặc trung tâm Trợ giúp pháp lý, Đoàn Luật sư địa phương. Có thể, yêu cầu các cơ quan chức năng theo thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 04 ngày 15/01/2010 của Chính phủ. Mặt khác, có thể yêu cầu, khởi kiện các đơn vị là chủ đầu tư hoặc đang quản lý công trình thủy điện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Chương XXI của Bộ luật dân sự năm 2005.
Khâu bất cập nhất chính là xác định đúng đắn và xác thực các khoản thiệt hại phát sinh. Do đó, khi khởi kiện, ngay từ đầu người dân cần nắm rõ thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo điều 608 Bộ luật dân sự, bao gồm: (1) Tài sản bị mất; (2) Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; (3) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; (4) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại...
Ngoài ra, có thể xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại. Chính quyền cấp cơ sở cũng phải hỗ trợ trong việc thống kê, xác nhận tình trạng tài sản, mức độ thiệt hại để làm căn cứ cho người dân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
NGUYỄN HƯNG - DƯƠNG KHA