Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều nhà thuốc nam với những lời quảng cáo “có cánh”, cam kết công hiệu, cả với các bệnh nan y. Thế nhưng, người mua về sử dụng chẳng những không hết bệnh mà nhiều khi còn “tiền mất, tật mang”.
Anh Cao Văn Thụ (36 tuổi, ở quận Kiến An, Hải Phòng) bị bệnh trĩ nội độ 4. Thay vì đi điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa, anh Thụ tìm hiểu trên mạng xã hội và mua thuốc của một nhà thuốc ở Thái Nguyên với lời cam kết chắc như đinh: Uống một liệu trình duy nhất với giá 1.050.000 đồng sẽ khỏi dứt điểm bệnh trĩ. Hình thức mua thuốc khá đơn giản, anh Thụ chỉ cần cho địa chỉ nơi ở và số điện thoại, vài hôm sau sẽ có nhân viên bưu điện mang thuốc đến tận nhà, rồi trực tiếp thanh toán tiền cho nhân viên bưu điện là xong.
Các loại thuốc Nam được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. |
Trong thời gian uống thuốc, anh Thụ thực hiện chế độ kiêng khem rất kỹ như lời khuyến cáo của nhà thuốc như: tuyệt đối không uống rượu, bia, không ăn đồ cay nóng, không ăn rau muống. Thế nhưng, uống hết một liệu trình rồi mà bệnh trĩ của anh không giảm, thậm chí có dấu hiệu nặng thêm. Anh liền gọi điện thoại cho nhà thuốc và được giải thích: bệnh của anh nặng nên uống thêm một liệu trình nữa. Uống hết liệu trình thứ hai, tình trạng bệnh của anh vẫn như vậy. Anh tiếp tục gọi điện giãi bày với nhà thuốc. Lần này, nhà thuốc cam đoan sẽ đồng hành chữa khỏi bệnh trĩ cho anh và bán cho anh liệu trình thứ ba với các loại dược liệu tốt hơn, và số tiền tăng lên (1.450.000/liệu trình). Uống hết liệu trình thứ ba, cũng chẳng thấy tác dụng gì. Chán nản, buồn bực, anh bỏ điều trị và không liên lạc với nhà thuốc nữa.
Một người khác cũng là nạn nhân của các bài quảng cáo thuốc nam trên mạng đó là anh Nguyễn Văn Khang (35 tuổi, ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh). Anh Khang bị bệnh viêm gan B chuyển thành xơ gan cổ trướng. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, anh biết một nhà thuốc ở Yên Bái với cam kết chữa khỏi bệnh xơ gan. Anh liền điện thoại đặt mua thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, uống hết 5 liệu trình rồi mà bệnh gan của anh không giảm, thậm chí ngày càng nặng thêm. Đến khi sức khỏe suy yếu, người nhà mới vội vàng đưa anh vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. May mắn là anh vào bệnh viện khi chưa quá muộn nên sau thời gian được điều trị tích cực, anh đã được trở về với gia đình.
Khi bị các bệnh nan y, mãn tính, nhiều người “có bệnh thì vái tứ phương”, nghe ai bày phương thuốc đông y gia truyền gì cũng uống với quan niệm rằng thuốc đông y uống không hết bệnh thì cũng không hại sức khỏe. Nhưng thực tế không phải phương thuốc gia truyền nào cũng uống được, mà còn có nguy cơ rước thêm bệnh vào người. Trên mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy các quảng cáo, chia sẻ phương thuốc đông y gia truyền tự phát.
Một số bài thuốc đông y cũng có nhiều độc tố, nếu không sử dụng đúng liều lượng cũng có tác hại, ví dụ như thuốc cơ xương khớp có thể gây giảm trí nhớ, đau dạ dày nếu uống nhiều; thuốc trị viêm gan dễ gây tiêu chảy đối với người thể trạng yếu. Vì vậy phải có thầy thuốc bắt mạch, kê toa, phác đồ điều trị bệnh cũng thay đổi toa thuốc theo diễn biến sức khỏe người bệnh. Chủ tịch Hiệp hội Đông y TPHCM Lê Hùng khuyến cáo: “Đối với những phương thuốc đông y trên mạng, khi mua phải xem có giấy phép kinh doanh được cơ quan chức năng cấp. Tốt nhất, người bệnh nên đến những nơi được Sở Y tế cấp phép như nhà thuốc, phòng khám để mua những đơn thuốc đảm bảo, cũng như có thầy thuốc theo dõi tình hình bệnh như thế nào”.
Hằng Thanh (T/h)