Theo luật sư, việc cần thiết phải hạn chế hoạt động quảng cáo đối với loại hàng hoá này để góp phần giảm thiểu những tác hại của việc lạm dụng rượu, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội nói riêng và trên các phương tiện quảng cáo nói chung…
Ảnh hưởng của bia rượu đến đời sống xã hội là rất nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu những tác hại của việc lạm dụng rượu bia - nguyên nhân của rất nhiều vấn nạn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc quảng cáo rượu tràn lan trên mạng Internet đã cổ xúy cho phong trào uống rượu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam cũng như uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ các bệnh và tai nạn giao thông.
Liên quan đến những vấn đề pháp lý xung quanh công tác “quản lý về quảng cáo rượu mạnh trên mạng” luật sư Hoàng Kim Thoa - Công ty Luật TNHH MTV QTC nhận định, phải khẳng định ảnh hưởng của bia rượu đến đời sống xã hội là rất nghiêm trọng.
Do đó, cần thiết phải hạn chế hoạt động quảng cáo đối với loại hàng hoá này để góp phần làm giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội nói riêng và trên các phương tiện quảng cáo nói chung.
Theo luật sư Thoa, việc quảng cáo trên Facebook thì mặt hàng rượu cũng đã bị giới hạn nội dung, bị cấm kêu gọi uống rượu, cấm nói không đúng về hiệu quả sản phẩm. Ví dụ như: uống rượu mỗi ngày tốt cho sức khỏe của bạn, hãy uống nhiều rượu, uống cho thật say…
Các trang web, fanpage facebook quảng cáo rượu mạnh nhan nhản trên Internet - Ảnh chụp màn hình |
“Để giảm nhẹ tác động của bia rượu như mong muốn của Chính phủ thì việc đưa ra những hạn chế trong việc quảng bá bia rượu là một chính sách hợp lý” – luật sư Thoa nói.
Luật sư Thoa phân tích, Chính phủ ban hành Luật Quảng cáo (Luật số 16/2012/QH13 ban hành ngày 21/06/2012), theo đó, tại Khoản 3-Điều 7- Luật Quảng cáo quy định: “Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo: Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên”.
Ngoài ra còn có Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, theo đó Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo trên phạm vi cả nước; Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng...
Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện Luật quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 06/12/2013 (Hiệu lực: 01/02/2014);
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành một số văn bản: - Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ban hành ngày 6/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
- Công văn số 468/VHCS-QC ngày 18/9/2014 của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đề nghị các cơ quan Phát thanh và Truyền hình nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ các nội dung quảng cáo trước khi phát sóng …
“Trên đây là một trong những thành công của Chính Phủ, các cơ quan ban liên quan trong việc cấm quảng cáo đối với rượu có nồng độ cao” – luật sư Thoa cho hay.
Luật sư Thoa phân tích thêm, mặc dù các quy định pháp luật đã chi tiết, nhưng trên thực tế thì công tác quản lý quảng cáo rượu mạnh có nhiều bất cập, ví dụ:
- Có sự mâu thuẫn quy định pháp luật:
Luật Quảng cáo cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, trong khi khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên mới cấm quảng cáo thương mại:
“ Điều 109. Các quảng cáo thương mại bị cấm
4. Quảng cáo thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên và các sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo”.
- Luật buộc các nhà sản xuất, phân phối rượu bia phải tuân thủ các quy định của Cơ quan quản lý tiêu chuẩn quảng cáo nhưng ai sẽ là người thực hiện và giám sát việc này thì không quy định;
“Như vậy, phương pháp tốt nhất để giảm lượng tiêu thụ rượu bia vẫn là giáo dục công dân có ý thức không uống rượu bia từ nhỏ. Với việc quảng cáo thì không được gợi ý rằng bia rượu là điều không thể thiếu hoặc cần được ưu tiên trong cuộc sống. Các doanh nghiệp rượu bia cũng không được cung cấp các quảng cáo mang tính thách thức người tiêu dùng uống, không được nhắm vào đối tượng khách hàng dưới 18 tuổi...” – luật sư Thoa nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý, Hà Nội) dẫn quy định của luật quảng cáo hiện hành thì rượu trên 15 độ là loại hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo.
Luật sư Kiên cho hay, theo quy định của điểm b khoản 1 điều 50 nghị định số 158/2013/nd-cp quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi này sẽ bị xử phạt 40 đến 50 triệu đồng.
Trâm Anh (ghi)