Theo VietNamNet, một cô gái 27 tuổi đã chia sẻ khoảng thời gian trải qua cơn đột quỵ của mình trên mạng xã hội, thu hút được sự quan tâm lớn. Sau 21 giờ đăng tải, bài viết nhận gần 10.000 bình luận và 21.000 lượt chia sẻ.
N.N.H - chủ nhân của tài khoản, cho biết cô được đưa đi cấp cứu đêm 12/5. Cô gái đang sống ở Biên Hòa (Đồng Nai) bán hàng online, thường xuyên làm việc trên điện thoại, máy tính, thức khuya triền miên để xử lý đơn hàng, trả lời khách khiến cô liên tục thiếu ngủ.
H. được đưa đi cấp cứu. Ảnh: VietNamNet.
"Tối 12/5, tôi đi ngủ lúc 22h. Đến hơn 1h thì tỉnh dậy vì lạnh buốt toàn thân, dù thời tiết bên ngoài rất nóng. Cảm giác lạnh run như đang ở Bắc Cực, đầu đau nhức, không thể ngủ lại được", H. kể lại.
Khoảng 10 phút sau đó, cô bắt đầu chóng mặt, điện thoại rơi khỏi tay, ù tai, tay chân co cứng, mắt không mở được, mọi thứ tối đen, chỉ còn những vệt sáng lóa mờ ảo. Cô cố trấn tĩnh: "Phải tỉnh dậy và phải sống".
Lúc đó đã gần 3h, trong trạng thái mơ hồ và kiệt sức, H. gắng gượng cử động tay chân rồi lần mò điện thoại gọi người thân cầu cứu.
Đến 3h30, cô được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi xét nghiệm máu, đo điện tim và theo dõi sát tình trạng, bác sĩ chẩn đoán cô bị thiếu máu lên não, cơ thể suy nhược nghiêm trọng do stress và mất ngủ kéo dài, nguyên nhân dẫn đến cơn đột quỵ. Tình trạng của H. nhẹ nên không để lại di chứng. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ tới mình bị đột quỵ ở tuổi 27, H. vô cùng sợ hãi.
“Chỉ đột quỵ nhẹ nhưng tôi như người vừa chết đi sống lại”, cô gái nói. Hiện tại, H. vẫn còn đau ê ẩm toàn thân, cơ mặt căng cứng, miệng không thể há to.
Bác sĩ yêu cầu H. tuyệt đối nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá sức, đồng thời theo dõi sát sao mọi dấu hiệu bất thường. "Chỉ là đột quỵ nhẹ thôi mà tưởng chừng như chết đi sống lại", H. tâm sự.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, số ca đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng đáng báo động trong hai thập niên trở lại đây. Ở Việt Nam, số ca đột quỵ ở độ tuổi dưới 45 chiếm khoảng 10-15% tổng số ca mỗi năm.
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, những thói quen tưởng chừng "bình thường" như áp lực công việc kéo dài, ít vận động, ăn uống nhiều dầu mỡ, thức khuya triền miên, hút thuốc và sử dụng rượu bia đang tạo thành một "combo" nguy hiểm, âm thầm hủy hoại sức khỏe não bộ, đặc biệt ở người trẻ.
Trong nhịp sống đô thị gấp gáp, không ít người trẻ mải mê chạy theo hiệu suất công việc mà quên mất việc chăm sóc cơ thể. Chính điều đó dẫn đến sự tích tụ âm thầm của các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, béo phì,… Tất cả đều là "mồi lửa" cho những cơn đột quỵ bất ngờ.
"Rất nhiều bệnh nhân trẻ không hề biết mình bị tăng huyết áp, hoặc có biết nhưng lại xem nhẹ và không điều trị. Trong khi đó, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ, cả do thiếu máu lên não lẫn xuất huyết não", BS Mạnh chia sẻ.
Từ trường hợp này, BS Mạnh khuyến cáo, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Các dấu hiệu của đột quỵ bao gồm:
Mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt.
Mờ mắt.Méo, xệ mặt một bên.
Tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia.
Khó nói, nói ngọng.
Giai đoạn "giờ vàng" được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là 4-6 giờ.
"Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ "vàng". Cần lưu ý điều trị huyết áp cao đúng cách để hạn chế nguy cơ đột quỵ", BS Mạnh nói trên báo Dân Trí.