Nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ khoảng 19.651 tỷ đồng.
Theo tin từ Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Uỷ ban này thì Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất do tác động của Covid-19 và giá dầu giảm.
Báo cáo của Uỷ ban cho hay, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Kiệt quệ vì Covid-19, Vietnam Airlines đối mặt khoản lỗ “khổng lồ” trên 19.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Hãng bay này hiện đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Đáng chú ý, vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4 với trạng thái tăng kịch trần lên 20.650 đồng. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này. Dù vậy, tính trong 1 tháng qua, HVN vẫn đánh mất gần 20% giá trị.
Cổ phiếu HVN tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường hồi phục thuận lợi, đặc biệt là khi có thông tin Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình khó khăn tại doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Theo Uỷ ban, với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con. Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Cũng theo tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngoài Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng giảm lợi nhuận trong quý 1-2020 là 586 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hàng loạt các tàu trong nước và tàu liên vận dừng hoạt động, làm giảm 65 tỷ đồng và ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng...
Với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì chịu tác động kép của giá dầu giảm và dịch bệnh. Theo đó, quý 1 doanh thu giảm 13.194 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 4.580 tỷ đồng.
Trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng, doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng, nộp ngân sách cũng giảm tương ứng từ 5.000 tỷ đồng đến 27.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu quý 1 giảm 1.706 tỷ đồng, ước lỗ hơn 570 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) giảm 1.200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận giảm 44 tỷ đồng.
Vũ Đậu (T/h)