Ngày 16/7, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Quảng Ngãi cho biết trên Lao động, đơn vị đã triển khai lắp đặt, quản lý và vận hành 320 thiết bị bẫy ảnh để giám sát đa dạng sinh học. Qua đó, ban phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm trong vườn, nằm trong danh mục nguy cấp, cần được bảo vệ.
Hằng năm, cán bộ của vườn tổ chức 4 đợt kiểm tra thực tế, thu thập thông tin từ các thiết bị bẫy ảnh. Các thiết bị được lắp đặt tại nhiều vị trí khác nhau, từ khu vực bìa rừng đến sâu bên trong rừng.
Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, vườn có tổng diện tích 56.249 ha, nằm ở phía tây nam tỉnh Quảng Ngãi (thuộc địa bàn các xã Sa Thầy, Rờ Kơi, Mô Rai, Ya Ly, Sa Loong và Bờ Y).
Khu rừng có tính đa dạng sinh học cao, với hơn 1.000 loài động vật (trong đó có 112 loài nằm trong danh sách nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) và 1.895 loài thực vật (gồm 192 loài đặc hữu, quý, hiếm).
Nhân viên bảo vệ rừng đặt bẫy ảnh để theo dấu các loài động vật. (Ảnh: Thanh niên)
Hằng năm, cán bộ của vườn xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ, bảo tồn bền vững các loài động - thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm.
Thông tin từ các thiết bị bẫy ảnh không chỉ ghi lại hình ảnh các loài động vật rừng mà còn cả con người, giúp Ban Quản lý Vườn quốc gia có cái nhìn tổng quan về sự phân bố, cũng như nhận diện các nguy cơ tác động, xâm hại đến động vật rừng, cảnh quan và hệ sinh thái.
Mới đây, thiết bị bẫy ảnh đã ghi nhận hình ảnh gấu ngựa xuất hiện tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - một loài động vật rất quý hiếm, gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Gấu ngựa còn được gọi là gấu đen Tây Tạng, gấu đen Himalaya hoặc gấu đen châu Á. Loài này nằm trong Sách đỏ Thế giới (IUCN), thuộc nhóm động vật dễ bị tổn thương.
Theo tin tức trên Thanh niên, tháng 5/2024, hệ thống bẫy ảnh ghi lại một khoảnh khắc quý giá: một đàn 8 cá thể voọc bạc ung dung chuyền cành giữa tán rừng. Loài linh trưởng thuộc nhóm 1B này từng được cho là đã tuyệt chủng cục bộ ở khu vực kể từ sau năm 2018. Voọc bạc, với bộ lông xám ánh bạc đặc trưng, là một trong những biểu tượng quý hiếm của hệ sinh thái Đông Nam Á, hiện chỉ còn phân bố rải rác ở Tây nguyên, miền Trung, vùng Đông Bắc, Trường Sơn và vài khu vực ở Nam bộ.
Tháng 9/2024, cả đàn 4 con bò tót bình thản sải bước ngang camera. Những bước chân của chúng như lời khẳng định hùng hồn rằng Chư Mom Ray đã đủ bình yên để muông thú trở về.
Bò tót được phát hiện qua bẫy ảnh. (Ảnh: VQG Chư Mom Ray)
Chưa hết, gà lôi hồng tía, gà tiền mặt đỏ, gà lôi lam mào đỏ…, những tiếng chim quý hiếm từng vắng bóng giờ lại vang lên trong những buổi sáng sương giăng khắp lối.
Gà lôi hồng tía từng bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắn đã trở về Chư Mom Ray. (Ảnh: Thanh niên)
Sự trở về của muông thú không phải phép màu. Đó là thành quả của lực lượng bảo vệ rừng ở Chư Mom Ray. Hàng ngày lực lượng kiểm lâm lặng lẽ đi qua từng cánh rừng, tháo gỡ gần 35.000 chiếc bẫy các loại và cứu hộ 268 cá thể động vật hoang dã.