Hôm 14/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thuế quan với ôtô nhập khẩu có thể được áp dụng từ ngày 2/4, song không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch này.
Từ lâu, ông Trump đã bất bình với việc các thị trường nước ngoài đối xử không công bằng với xe hơi xuất khẩu của Mỹ. Ví dụ, Liên minh châu Âu áp thuế 10% với xe nhập khẩu, cao gấp bốn lần mức thuế 2,5% mà Mỹ áp dụng với xe con nhập khẩu. Mỹ chỉ đánh thuế 25% với xe bán tải nhập khẩu, phân khúc mang lại lợi nhuận cao.
Tổng thống Mỹ đồng thời ấn định ngày bắt đầu áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu từ 12/3, sau đó chỉ đạo lập kế hoạch áp dụng thuế quan tương hỗ với mọi quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố về thuế ôtô, cùng với kế hoạch áp thuế hàng hóa Canada và Mexico có thể là cách để ông Trump gây sức ép khởi động đàm phán lại Hiệp định mới giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA), từng được ông gọi là "thỏa thuận thương mại vĩ đại nhất từ trước đến nay".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Ngành sản xuất ôtô phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu với mức độ tích hợp cao. Mỗi tuần, hàng chục tỷ USD ôtô thành phẩm, động cơ, hộp số và các linh kiện khác được vận chuyển từ Canada và Mexico sang Mỹ, trong khi hàng tỷ USD khác được nhập khẩu từ các nhà sản xuất phụ tùng Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và Canada liên quan chặt chẽ đến mức hiện tại không có loại ô tô nào hoàn toàn là của Canada hay Mỹ.
Một nhà kinh tế tại RSM Canada nhận định rất khó để tìm, thậm chí là không thể tìm ra ô tô được sản xuất hoàn toàn tại Canada hoặc Mỹ. Việc áp thuế đối với ngành công nghiệp ô tô gây thiệt hại lớn cho hai nước, do chuỗi cung ứng kết nối chặt chẽ.
"Thực tế là ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ dành nhiều thập kỷ, mất nhiều tiền để xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp dựa trên tính hợp tác, lợi ích thương mại. Có rất nhiều bộ phận ô tô chỉ được sản xuất tại một quốc gia chuyên biệt", nhà kinh tế nói.
Ông Trump ấp ủ nhiều kế hoạch đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Ảnh: Dominick Sokotoff/REX/Shutterstock
Theo công ty thu thập dữ liệu ô tô Ward's Intelligence, gần 1/4 số xe mới được bán tại Mỹ năm 2024 được phân loại là xe nhập khẩu. Trước đó, các hiệp định thương mại đưa ra quy tắc xuất xứ mở rộng, cho phép các bộ phận của ô tô bán tại Mỹ được sản xuất tại ba quốc gia. Xe có 75% bộ phận có nguồn gốc từ ba quốc gia đều không phải chịu thuế quan.
"Việc ông Trump nói Canada đánh cắp ngành công nghiệp này là hoàn toàn không đúng", Peter Frise - giáo sư kỹ thuật ô tô tại Đại học Windsor, Canada - nói lên quan điểm với CBC News.
Cũng theo vị giáo sư, mức thuế mới của ô tô tác động gần như lập tức đến giá cả. Doanh số ô tô nguy cơ sụt giảm khi mỗi chiếc xe tăng vọt hàng nghìn USD.
"Ô tô không nằm trong danh mục hàng cấp thiết. Doanh số chững lại đồng nghĩa ô tô không bán được, nhà máy ngừng sản xuất. Điều này có thể khiến trăm nghìn nhân sự bị sa thải. Mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh nếu các mức thuế này có hiệu lực", chuyên gia nói thêm.
Peter Frise đồng thời cho rằng "ông Trump 2.0" nên hiểu sâu sắc về ngành trước khi thực hiện thay đổi lớn. Tác động có thể trái ngược những gì ông Trump tuyên bố cố gắng đạt được là "tạo ra nhiều việc làm sản xuất hơn cho người Mỹ".
Các nhà sản xuất ô tô "Big Three" truyền thống, những công ty đã mở rộng dấu ấn của mình trên khắp lục địa kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ được ký kết năm 1994, là những công ty dễ bị ảnh hưởng nhất đến lợi nhuận. Các nhà phân tích nhận định GM là cái tên bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi chủ sở hữu Chrysler là Stellantis cũng không khá hơn là bao. Ford bị ảnh hưởng ít nhất vì họ nhập khẩu ít xe nhất từ bên ngoài Mỹ.
Nhiều loại xe phổ biến ở Mỹ được lắp ráp tại Canada và Mexico. Ảnh: Reuters
Tuyên bố sẽ áp thuế ôtô nhập khẩu là động thái mới nhất trong hàng loạt biện pháp thương mại mà ông Trump đã công bố kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ hai.
Loạt sắc lệnh này được ông Trump khẳng định là nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho hàng hóa Mỹ trên thị trường quốc tế và thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.
Các quan chức chính quyền Trump mô tả thuế quan là một nguồn doanh thu tiềm năng cũng như là động lực để các công ty toàn cầu tăng cường năng lực sản xuất tại Mỹ.
Vị tổng thống Mỹ đã đưa thuế quan vào trọng tâm trong cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của mình, mô tả các khoản thuế này là một cách để vượt qua sự đối xử "bất công" từ các đồng minh thương mại.
Tuy nhiên, một số chuyên gia, doanh nghiệp bày tỏ lo ngại nguy cơ lạm phát gia tăng.