Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Lực lượng Vũ trang Ukraine (UAF) đã ghi nhận nhiều thiệt hại đáng kể do máy bay không người lái (UAV) Shahed-136 của Iran gây ra, đối với các hệ thống thiết giáp và pháo ở khu vực Kharkiv.
Mảnh vỡ được cho là của UAV Shahed-136 phát hiện ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Lực lượng vũ trang Ukraine
Đại tá Rodion Kulagin, chỉ huy pháo binh tại Lữ đoàn Cơ giới 92 của Ukraine, cho biết UAV Shahed-136 của Iran, được sơn lại bằng màu sắc của Nga và đổi tên thành Geranium 2, đã bắt đầu xuất hiện trên các vị trí thiết giáp và pháo binh của Ukraine ở Kharkiv.
"Các UAV này đã phá hủy 4 khẩu lựu pháo tự hành (cả hai loại 152 mm và 122 mm) cũng như 2 xe bộ binh bọc thép BTR", ông Rodion Kulagin nói.
Cả Nga và Iran đều nhiều lần phủ nhận thông tin 2 nước tham gia thương vụ mua bán UAV. Tuy nhiên, năng lực UAV của Tehran là điều khó có thể chối cãi.
UAV Iran mặc dù không tiên tiến như các hệ thống tương tự của Mỹ, Anh, Israel, Trung Quốc và cả Nga, nhưng có thể đem lại sự khó chịu về mặt chiến thuật cho lực lượng mặt đất của Ukraine.
"Những chiếc UAV Shahed-136 có nguồn gốc từ Iran có thể sà xuống mục tiêu trên mặt đất mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Tôi từng được chứng kiến cảnh loại khí tài này xé toạc lựu pháo M777 (loại vũ khí được Mỹ viện trợ) làm đôi”, Đại tá Rodion Kulagin nói.
Theo ông Kulagin, phương thức tác chiến hiện nay của quân đội Nga là thay vì bắn 100 quả đạn pháo, thì chỉ đơn giản phóng đi một chiếc UAV. Chiếc UAV sau đó sẽ tìm kiếm và tấn công mục tiêu.
“Những chiếc UAV khi thực hiện đòn tấn công có độ chính xác tới mức có thể nhằm vào tháp pháo của pháo tự hành, nơi chứa các quả đạn. Đòn tấn công sẽ tạo ra một vụ nổ thứ cấp từ bên trong khí tài và phá hủy nó. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, và nếu không có các biện pháp đối phó nhanh chóng thì các UAV trên sẽ tiêu diệt toàn bộ quân đội Ukraine”, ông Kulagin nhấn mạnh.
Bệ phóng UAV Shahed-136 của Iran. Ảnh: IRGC
Việc UAV Iran được sử dụng ở Ukraine đã đánh dấu một bước nhảy vọt về công nghệ và địa chính trị của ngành công nghiệp quốc phòng Tehran. Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng bộc lộ những lỗ hổng trong thị trường kỹ thuật và linh kiện máy bay không người lái toàn cầu. Nhiều thiết bị cơ bản có sẵn phát hiện trong UAV Iran đến từ các đồng minh của Mỹ và các nước phương Tây.
Hiện UAV của Iran có thể tiếp cận hầu hết mọi nơi ở Trung Đông nhờ mang theo nhiều nhiên liệu hơn và sử dụng định vị vệ tinh. Các mẫu UAV tối tân nhất bao gồm Shaded-129, Fotros, Saeqeh-2 và Mohajer-6. Một số mẫu UAV được cho là có tầm bay lên tới 1.000 km và thời gian bay đến 24 giờ. Phần lớn UAV có thể mang bom dẫn đường thu nhỏ và sẽ sớm được trang bị tên lửa có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa tới 8 km.
Trong những năm gần đây, Iran đã xuất khẩu UAV sang các nước như Ethiopia và Venezuela. Tehran cũng cung cấp một số lượng lớn UAV cho các lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, từ Hezbollah ở Lebanon đến Houthi ở Yemen. Đây cũng là lý do khiến Mỹ cấm vận chương trình UAV của Iran vào tháng 10/2021.
Không chỉ vậy, Iran còn thành lập một nhà máy sản xuất UAV ở Tajikistan, góp phần củng cố vị thế cường quốc UAV của Tehran trong khu vực.
Mộc Miên (Theo Wall Street Journal, Jerusalem Post)