Nhân tố thay đổi cuộc xung đột Nga - Ukraine
Ukraine đang phát triển các đội xe không người lái mặt đất (UGV) mới, với hy vọng có thể giúp quân đội Ukraine giành lợi thế hơn so với quân đội Nga bằng cách khắc phục tình trạng bị gây nhiễu.
Chuyên gia quân sự Ukraine Ruslan – một trong những đầu tiên sử dụng xe không người lái mặt đất Ratel-S sản xuất trong nước chia sẻ rằng, rất khó để gây nhiễu một con robot trên mặt đất.
Bùng nổ vào tháng 2/2022, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ không người lái. Trong đó, máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) có lẽ nổi tiếng nhất, đảm nhận đủ các chức năng từ trinh sát đến tấn công cho cả hai bên.
Nổi tiếng không kém là xuồng không người lái (USV) hải quân sáng tạo của Ukraine, được cho là đã gây thiệt hại cho Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea và xung quanh bán đảo này.
UGV Ratel-S của Ukraine. Ảnh: Newsweek
Mặc dù ít được chú ý hơn nhiều nhưng UGV lại là một thị trường mạnh đang phát triển. “Chúng tôi coi UGV là nhân tố thay đổi cuộc chơi tiếp theo trong cuộc xung đột này”, bà Nataliia Kushnerska - Giám đốc điều hành tại cụm công nghệ quốc phòng Ukraine Brave1 cho biết.
Đồng ý kiến, chuyên gia quân sự Ruslan bày tỏ: “Chúng chắc chắn rất quan trọng”.
Một điểm đáng chú ý ở UGV là loại vũ khí này có khả năng chống nhiễu. Theo ông Samuel Bendett tại CNA – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington (Mỹ) chuyên nghiên cứu và phân tích, một số UGV ở Ukraine gắn chặt với các trạm chỉ huy của chúng, khiến việc gây nhiễu trở nên bất khả thi.
Ông Ruslan cho hay, rất ít UGV của Ukraine có liên kết vật lý này, nhiều chiếc được điều khiển bằng sóng vô tuyến hoặc kết nối Internet.
Trao đổi với Newsweek, ông Paul van Hooft – nhà nghiên cứu hàng đầu về quốc phòng và an ninh tại chi nhánh châu Âu của tổ chức tư vấn RAND lưu ý, tín hiệu được gửi từ người điều khiển đến máy bay không người lái (UAV) có thể bị chặn từ mọi hướng nhưng UGV thì thường chỉ ở trong đường ngắm, bởi vậy việc gây nhiễu vũ khí này sẽ khó hơn.
Theo ông, thiết bị gây nhiễu không thể trực tiếp xen vào giữa UGV và người điều khiển, mà phải căn đúng đường ngắm, kết hợp với việc có đủ năng lượng để gây nhiễu bộ điều khiển hoặc điểm chỉ huy, ăng-ten. “Việc gây nhiễu chúng là một cấp độ phức tạp khác”, ông nêu ý kiến.
Dù vậy, UGV vẫn có những nhược điểm nhất định. Cụ thể, theo ông Samuel Bendett, tín hiệu giữa UGV và người điều khiển có thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ nhưng cũng có thể giới hạn phạm vi di chuyển của thiết bị này chỉ trong khoảng 1,6km.
Với đường ngắm trực tiếp, tín hiệu sẽ phải đối mặt với địa hình tự nhiên, bị cản trở bởi đồi núi, cây cối, mương hào gây ra nhiễu tự nhiên, theo ông Paul van Hooft. Đây cũng có thể là những chướng ngại vật vật lý cản trở sự di chuyển của UGV gắn bánh xe hoặc bánh xích.
“Đảm bảo kết nối ổn định và không bị gián đoạn là một trong những thách thức chính đối với tất cả các nhà sản xuất”, bà Nataliia Kushnerska thừa nhận, đồng thời chỉ ra vấn đề cụ thể là địa hình. Tuy nhiên, các nhà phát triển Ukraine đã và đang nghiên cứu sử dụng thiết bị không người lái tiếp sức, hoặc các kênh liên lạc dự phòng như Starlink và trí tuệ nhân tạo để khắc phục điều này.
Hồi tháng trước, ông Mykhailo Fedorov – Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, kiêm người đứng đầu lĩnh vực thiết bị không người lái chia sẻ, robot Termite của nước này được chế tạo trên khung gần bánh xích đang được sử dụng tại nhiều khu vực dọc theo tiền tuyến. Theo ông, với việc sử dụng bộ lặp, robot này có thể điều khiển từ xa trong khi binh sĩ ở vị trí an toàn hơn.
Ưu điểm chính của UGV
UGV được thiết kế nhằm tấn công mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ hậu cần và sơ tán binh sĩ bị thương, mà không cần đưa binh sĩ trực tiếp vào tuyến hỏa lực. Vậy nên, ưu điểm chính của thiết bị này là đưa con người ra khỏi những tình huống nguy hiểm nhất.
"Lực lượng quân sự Ukraine hiện đang tích cực sử dụng UGV", bà Nataliia Kushnerska cho biết. Theo giới chức trách Ukraine, cho đến nay, robot Volya-E của Kiev đã sơ tán được hơn 100 binh sĩ Ukraine bị thương hoặc tử vong, trong khi Ratel-S đã phá hủy một cây cầu ở khu vực Donetsk, vốn là cầu quan trọng đối với hậu cần của Nga dọc theo tiền tuyến.
Nhiều nhà phát triển tại Ukraine đang mở rộng hoạt động, mở rộng cơ sở để sản xuất nhiều UGV hơn. Theo bà Nataliia Kushnerska, một thị trường hoàn chỉnh cho UGV hiện đã được thiết lập tại Ukraine. Brave1 hiện có hơn 240 thiết kế đã đăng ký, với hơn 160 nhà sản xuất Ukraine tham gia.
Newsweek dẫn lời ông Ruslan cho hay, có một xu hướng nổi lên hướng đến việc biến những UGV này thành thiết bị đa chức năng. Điều này là có ý nghĩa bởi UGV sẽ hữu ích hơn nếu có thể sử dụng để đặt mìn hoặc bất kỳ nhiệm vụ nào khác trước khi được nhắm đến mục tiêu với đầy thuốc nổ kèm theo.
UGV được coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi tiếp theo trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh minh họa: Newsweek
Ukraine đang theo dõi chặt chẽ lực lượng UGV của Nga. Bà Nataliia Kushnerska chia sẻ, các nhà phát triển và quân nhân Ukraine liên tục phân tích những cải tiến mới nhất về UGV của quân đội Nga, qua đó đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả, đồng thời “cải thiện các hoạt động phát triển của riêng chúng tôi”.
Các thiết kế của Ukraine bao gồm các robot mặt đất thử nghiệm được trang bị súng máy hoặc UGV cảm tử như Ratel-S. Bộ trưởng Fedorov hồi tháng trước nói rằng Ukraine cũng đang sử dụng một phiên bản khác, Ratel-H, để vận chuyển nhiều binh sĩ bị thương cùng một lúc.
Nga sở hữu nhiều UGV, gần giống với nhiều thiết kế mà Ukraine theo đuổi, bao gồm Marker hỗ trợ AI và những UGV được cho là chủ yếu hữu ích đối với hậu cần.
Mùa xuân năm 2024, Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết UAV tấn công của họ đã tiêu diệt các UGV Nga trang bị súng phóng lựu tự động hoạt động xung quanh thành phố Avdiivka của Donetsk.
Thời gian gần đây, các nhà phát triển Nga đã giới thiệu những UGV mới trông giống như con nhện có thể ứng phó với địa hình hiểm hóc hơn trong khi bắn 2 khẩu súng máy. Theo ông Ruslan, UGV của Nga cũng khó bị Ukraine gây nhiễu hơn so với UAV mà các lực lượng của Moscow vẫn sử dụng.
Ông Ruslan chia sẻ thêm, giá mỗi chiếc UGV đắt hơn đáng kể so với FPV. Chẳng hạn, UGV Ratel có thể đắt hơn khoảng 5 lần so với một chiếc FPV. Tuy nhiên, UGV và FPV dù sao cũng là hai loại vũ khí khác nhau.
“Sẽ không hoàn toàn chính xác nếu so sánh tầm quan trọng của thiết bị không người lái trên bộ, trên không và trên biển bởi chúng có chức năng khác nhau, phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau”, bà Nataliia Kushnerska nêu ý kiến.
UGV có thể mang nhiều chất nổ hơn FPV nhưng nếu được kết hợp với nhau, chúng có thể giúp quân đội Ukraine có thêm lựa chọn về cách tiến hành các hoạt động chống lại lực lượng Nga, đồng thời giữ người điều khiển ở vị trí cách xa tiền tuyến.