VnExpress dẫn lời Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, trong quả mướp đắng có một glycosid đắng gọi là momordicin và các vitamin B1, C, các axit amin như adenin, betain... Hạt chứa một chất dầu và một chất đắng. Đây là loại quả tính mát, tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng, bổ thận, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi. Đặc biệt, quả và hạt có tác dụng hỗ trợ sinh lý nam.
Để chữa chứng liệt dương, dùng 300 g hạt mướp đắng sấy khô, tán thành bột, trộn với 100 g long nhãn giã nhỏ. Vo tròn thành viên thuốc nhỏ bằng hạt ngô để uống, mỗi ngày ba lần, mỗi lần 10 viên, cùng với một chút rượu. Dùng bài thuốc này trong khoảng 10-15 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Ngoài cường dương, mướp đắng còn là vị thuốc bổ máu, tăng cường sức khỏe cho gan, thận, mát tim, chữa cảm nóng, mệt mỏi, miệng khô... Các công trình nghiên cứu tại Mỹ đã khẳng định được vai trò của mướp đắng hiệu quả trong việc sửa chữa tế bào beta tuyến tụy - tế bào đảm nhận chính công việc sản xuất insulin - một nội tiết tố có vai trò quan trọng giúp cân bằng lượng đường trong máu, một yếu tố mà bệnh nhân đái tháo đường thường khiếm khuyết). Vị đắng của quả cũng có vai trò kích thích đường ruột tiết ra một số chất ức chế sự hấp thu đường tại ruột, phù hợp với người bị tăng đường huyết sau ăn.
Mướp đắng tươi ăn sống giúp giải nhiệt, tiêu đờm, bổ máu, nhuận tràng. Mướp đắng sắc uống trị đột quỵ do tim mạch, sốt, khô miệng (tiêu khát), viêm họng hầu. Hạt mướp đắng ngoài cường dương còn chữa viêm họng bằng cách nhai, nuốt nước. Hoa mướp đắng tán nhỏ uống chữa đau dạ dày, đau mắt. Lá mướp đắng khô tán bột, uống 12g/lần với rượu, chữa mụn nhọt, đau nhức.
Người bị bệnh huyết áp thấp hoặc từng có tiền sử huyết áp thấp thì không nên ăn nhiều mướp đắng. Nguyên nhân, công dụng của mướp đắng là giảm huyết áp và hạ đường trong máu, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của những người mắc bệnh huyếp áp thấp.
Nếu lỡ ăn nhiều mướp đắng, người bệnh có thể bị huyết áp thấp hơn, gây hạ đường huyết, đau đầu, hoa mắt và chóng mặt vô cùng nguy hiểm.
Với những người bị các bệnh về gan và thận, khi ăn mướp đắng sẽ khiến lượng enzym trong gan tăng cao. Bên cạnh đó, các chất trong mướp đắng còn có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.
Mướp đắng rất khó tiêu, có thể gây đầy hơi, chướng bụng. Đối với những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) cũng nên tránh xa loại rau có vị đắng này.
Mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vô cùng hiệu quả.
Nếu bạn đang uống thuốc để hạ thấp lượng đường trong cơ thể, thì việc ăn mướp đắng sẽ có thể phản tác dụng và làm giảm mức đường trong máu của bạn xuống thấp hơn mức cho phép.
Đối với người khỏe mạnh, ăn mướp đắng có thể giúp kích thích tiêu hóa và làm tăng tiết men tiêu hóa. Tuy nhiên, với những trường người có hệ tiêu hóa yếu thì không nên ăn món ăn này.
Mướp đắng chứa nhiều axit oxalic, chất này có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Vì vậy, người bị thiếu canxi như trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh loãng xương… không nên ăn mướp đắng.
Mướp đắng có thể làm cản trở quá trình kiểm soát đường huyết, đặc biệt là với những người trước, trong hoặc sau phẫu thuật. Vậy nên để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực, bạn nên dừng ăn mướp đắng 2 tuần trước khi lên bàn mổ.
Phụ nữ đang mang thai và sau sinh thường có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn bình thường, đặc biệt là chất xơ và chất béo. Mướp đắng lại là loại quả rất ít chất xơ và chất béo nên sẽ không phù hợp.
Ngoài ra, ăn mướp đắng còn có thể làm giảm đường huyết gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Không những thế, ăn mướp đắng còn có nguy cơ kích thích tử cung dẫn đến tình trạng sinh non.