Theo Science Alert, đà điểu đầu mào (Cassowary) luôn đứng đầu trong danh sách những loài chim đáng sợ. Năm 2007, chúng được Tổ chức Sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là "Loài chim nguy hiểm nhất thế giới". Nhưng điều khiến các nhà khoa học phấn khích về loài chim này là vẻ ngoài đặc biệt của nó. Với lông màu đen bóng, cổ màu xanh lam, xanh ngọc, đỏ tươi và một chiếc mào cứng trên đầu, loài chim này trông giống một "con khủng long có gu thời trang".
Báo Tiền phong cho biết, đà điểu đầu mào là loài bản địa, hiện sống chủ yếu ở vùng đông bắc Úc, Papua New Guinea và một số đảo lân cận. Theo chuyên gia Chad Eliason từ Bảo tàng Field, Chicago (Mỹ), xét theo kích thước, đà điểu đầu mào là loài chim lớn thứ 3 thế giới, nặng từ 75-80kg, cao khoảng 1,2m, chỉ sau đà điểu châu Phi và đà điểu Emu.
Đà điểu đầu mào (Cassowary) luôn đứng đầu trong danh sách những loài chim đáng sợ. Ảnh: Getty Images.
Sức mạnh của đà điểu đầu mào nằm ở đôi chân mạnh mẽ cùng vũ khí là bộ móng vuốt sắc nhọn như dao găm. Mỗi bàn chân ba ngón của chim đà điểu đầu mào có một móng vuốt dài tới 10 cm giúp nó có thể gây tổn thương tới kẻ săn mồi chỉ bằng một cú đá, theo Sở thú San Diego.
Khi bị quấy rối hoặc bị đe dọa, loài chim này sẽ nhảy lên, sử dụng sức mạnh từ đôi chân và tấn công bằng các ngón chân như một con dao găm. Khi một con đà điểu đầu mào tấn công, nó có thể đá xuyên qua một tấm thép dày vài mm. Nếu con người không có vũ khí hoặc đồ bảo hộ khi bị chúng tấn công, họ có thể bị chảy máu nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Chúng có thể làm ngựa, bò gãy xương hoặc tử vong chỉ bằng vài cú đá. Ngoài ra, lực mỏ của chúng cũng cực mạnh như trời giáng.
Cơ thể của đà điểu đầu mào được bao phủ bởi lông đen, đầu và cổ có màu sáng. Mặt của chúng có màu xanh nước biển và sở hữu các thùy thịt đỏ treo quanh cổ. "Cái mũ" trên đầu của đà điểu đầu mào có cấu tạo khác hoàn toàn với mào của các loài chim hay gia cầm khác, thay vì bằng thịt thì nó được cấu tạo từ các chất giống như sừng và rỗng ở bên trong.
Sức mạnh của đà điểu đầu mào nằm ở đôi chân mạnh mẽ cùng vũ khí là bộ móng vuốt sắc nhọn như dao găm. Ảnh: inf.news.
Đà điểu đầu mào sở dĩ không thể bay vì cấu tạo bộ lông đen rậm, dài, mỏng của chúng. Nhìn từ xa, lông của loài đà điểu đầu mào khá giống tóc của người. Tuy nhiên, đặc điểm này cho phép chúng hoạt động tốt trên mặt đất trong hệ sinh thái rừng. Lông dài hơn, mỏng hơn giúp dẫn nước ra khỏi cơ thể, bảo vệ chim khỏi sự tấn công của những cành cây nhọn và gai.
Không giống như ở các loài chim có lông bóng khác như chim ruồi hoặc quạ, độ bóng của lông đà điểu đầu mào được tạo thành từ trụ lông, chứ không phải lông tơ, tức các sợi nhỏ trên một cọng lông. Vì các lông tơ trên lông của đà điểu đầu mào khá thưa thớt, trụ lông tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn ở những con chim "lông dày", khiến những con chim đà điểu đầu mào này tỏa sáng.
Vì cánh của đà điểu đầu mào cũng bị thoái hóa và không có khả năng bay giống như đà điểu, bởi vậy chúng chủ yếu dựa vào đôi chân mạnh mẽ để di chuyển. Chúng có chạy về phía trước với tốc độ 30 km/h, và có thể băng qua rừng với tốc độ khoảng 50 km/h khi bị quấy rầy.
Khi bị quấy rối hoặc bị đe dọa, loài chim này sẽ nhảy lên, sử dụng sức mạnh từ đôi chân và tấn công bằng các ngón chân như một con dao găm. Ảnh: inf.news.
Loài đà điểu đầu mào sống trong các khu rừng rậm của Úc, chúng có thể phát ra những âm thanh có tần số thấp hơn nhưng loài chim khác và chiếc mào rỗng của chúng có chức năng như một bộ thu sóng giúp cho chúng có thể nhận được "tín hiệu" từ đồng loại.
Thông thường, những loài cassowary sẽ sống sâu trong những rừng mưa nhiệt đới và những nơi rất khó để con người tiếp cận, chúng thường sống đơn độc hoặc theo cặp, không thích ánh sáng mặt trời và thường kiếm ăn vào buổi sáng sớm và tối.
Điều thú vị là tuy sợ ánh sáng mặt trời nhưng chúng lại tỏ ra rất thích thú với những vật phát sáng, chúng sẽ tò mò tiến lại gần khi thấy lửa than đang cháy, thậm chí có thể nuốt cả những cục than đang cháy.
Bên cạnh vẻ ngoài ấn tượng, đà điểu đầu mào còn là một phần thiết yếu của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Ảnh: inf.news.
Bên cạnh vẻ ngoài ấn tượng, đà điểu đầu mào còn là một phần thiết yếu của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Thức ăn chủ yếu của chúng là quả mọng, đôi khi là côn trùng, cá nhỏ, chim và các động vật khác.
Vì là loài ăn trái cây lớn nhất thế giới, chúng ăn và tiêu hóa hàng chục loại quả mỗi ngày, sau đó thải ra hạt giống, giúp phát tán và tái tạo thảm thực vật trong khu rừng, theo báo Tin tức.
Trứng loài cassowary dài khoảng 13 cm, có màu xanh lục tươi thay vì màu trắng. Ảnh: inf.news.
Loài cassowary đẻ trứng từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, mỗi ổ có khoảng từ 3 đến 6 trứng. Những quả trứng này có vẻ ngoài khác với những quả trứng chim, gia cầm thông thường. Trứng loài cassowary dài khoảng 13 cm, có màu xanh lục tươi thay vì màu trắng. Con đực có nhiệm vụ bảo vệ trứng. Khi đó vốn đã hung dữ, chúng càng dữ tợn hơn, sẵn sàng tấn công những con xâm phạm lãnh thổ và có nguy cơ đe dọa trứng.
Điều đặc biệt đáng chú ý ở loài này là con đực tham gia quá trình ấp trứng và chăm sóc con non sau khi nở ra. Con cái quay trở về cuộc sống độc lập của mình, không tham gia quá trình trên. Đấy là cách cho phép chúng có thể tự do đi sinh sản với con đực khác.