Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lo ngại về vấn đề khí hậu sau vụ rò rỉ khí gas ở đường ống Nord Stream

(DS&PL) -

Vụ rò rỉ khí gas không rõ nguyên nhân ở vùng biển Baltic đang phát ra lượng khí thải nhà kính lớn, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thảm hoạ khí hậu.

Vào thời điểm xảy ra vụ rò rỉ, cả 2 đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều không hoạt động nhưng vẫn chứa khí đốt tự nhiên có thành phần chủ yếu là methane, một loại khí nhà kính mạnh là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau CO2.

Nhà khí quyển học David McCabe, nhà khoa học cấp cao của Lực lượng Đặc nhiệm Không quân Phi lợi nhuận cho biết: "Có một số điều không chắc chắn, nhưng nếu những đường ống này bị hỏng, tác động của nó đến khí hậu sẽ vô cùng thảm khốc và thậm chí có thể nguy hiểm chưa từng có".

Ông McCabe và các chuyên gia khí thải khác nói với Reuters rằng vẫn chưa thể đánh giá quy mô của vụ rò rỉ, do những yếu tố không chắc chắn xung quanh các yếu tố như nhiệt độ của khí trong đường ống, tốc độ rò rỉ và lượng khí sẽ bị hấp thụ trong nước trước khi nổi lên bề mặt.

Theo ông McCabe, vì cả hai đường ống Nord Stream đều chứa phần lớn khí methane, nên "khả năng xảy ra sự kiện phát thải lớn và có tính sát thương cao là rất đáng lo ngại".

Hình ảnh được chụp từ trên không về vụ rò khí khí gas ở khu vực biển Baltic. Ảnh: Reuters 

Trong khoảng thời gian 20 năm, khí methane có hiệu lực làm ấm hành tinh gấp hơn 80 lần CO2 và gần 30 lần hiệu lực của nó trong vòng 100 năm. Các nhà khoa học nhấn mạnh việc cắt giảm mạnh lượng khí thải methane trong vài năm tới sẽ là đòn bẩy quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.

Bà Jasmin Cooper, một cộng sự nghiên cứu tại Viện Khí hậu Bền vững của Đại học Hoàng gia London, cho biết sẽ rất khó để định lượng chính xác lượng khí đã thải lên bầu khí quyển - đặc biệt là với dữ liệu khan hiếm hiện có về vụ rò rỉ từ các đường ống dưới biển.

Bà chia sẻ: "Gazprom có ​​thể sẽ có một ước tính dựa trên sản lượng khí, nhưng về lượng khí/methane được thải vào bầu khí quyển, họ cần cử một đội để đo lường và giám sát từ bây giờ".

Christian Lelong, giám đốc giải pháp khí hậu tại dữ liệu vệ tinh, thì cho biết khí methane rò rỉ trên mặt đất có thể được thu thập bởi một mạng lưới các vệ tinh đặc biệt ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do sự phản xạ ánh sáng khác nhau dưới nước nên rất khó để sử dụng vệ tinh phân tích lượng khí rò rỉ. 

Trong khi đó, theo ước tính của ông Jean-Francois Gauthier, phó chủ tịch bộ phận đo lường tại công ty vệ tinh đo methan GHGSat, các lỗ hổng rò rỉ đã thải ra hơn 500 tấn khí methane mỗi giờ, với áp suất và tốc độ dòng chảy giảm dần theo thời gian.

Một phát ngôn viên của đường ống Nord Stream 2 tiết lộ trong tuần này, hệ thống đường ống chứa khoảng 300 triệu m3 khí đốt. Kỹ sư hóa học Paul Balcombe tại Đại học Queen Mary ở London (Anh) cho biết việc thải toàn bộ lượng khí đó vào bầu khí quyển sẽ dẫn đến phát thải lên tới khoảng 200.000 tấn khí methane. 

Tổ chức phi lợi nhuận Deutsche Umwelthilfe của Đức cũng đưa ra một ước tính tương tự về lượng khí rò rỉ từ đường ống. 

Theo tính toán của Reuters dựa trên các hệ số chuyển đổi IPCC trong khoảng thời gian 100 năm, lượng khí methane sẽ có khả năng làm nóng lên toàn cầu trong khoảng thời gian 100 năm với khoảng 6 triệu tấn CO2. Con số này gần ngang bằng với lượng CO2 thải ra trong cả năm từ các thành phố cỡ trung bình như Havana, Helsinki hoặc Dayton, Ohio.

Trong khi đó, lượng khí thải rò rỉ từ đường ống Nord Stream 1 cũng chưa được tính toán rõ ràng. Phát ngôn viên của đường ống Nord Steam 1 đã từ chối tiết lộ lượng khí gas còn tại trong hệ thống khi đường ống được đưa đi bảo trì vào tuần trước. 

Ông Stefano Grassi, ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu, hôm 27/9 cho biết vụ rò rỉ có nguy cơ trở thành "một thảm họa khí hậu và sinh thái". Trên trang Twitter cá nhân, ông viết: "Chúng tôi đang liên hệ với các nước thành viên EU để xem xét những gì đã xảy ra và tìm cách nhanh nhất để ngăn chặn vụ rò rỉ và tránh thiệt hại tồi tệ hơn".

Các quốc gia EU nằm trong số hơn 100 quốc gia, bao gồm Mỹ, Brazil, Pakistan và Mexico, đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030, nhằm giúp ngăn chặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Minh Hạnh (Theo Reuters)

Tin nổi bật