Theo hãng tin AP, những mô tả đầu tiên về loài cá voi cổ đại được công bố trên Tạp chí khoa học Nature vào ngày 2/8 đã thay đổi nhận thức chung về hình dạng của loài động vật nặng nhất thế giới cũng như những thông tin mà nhân loại đã từng biết về sự tiến hóa của động vật biển có vú.
Loài cá voi cổ đại được cho là lớn nhất lịch sử. Ảnh: Reuters
Sau khi thành công khai quật mẫu hóa thạch của một con cá voi tiền sử ở Peru, các nhà khoa học đã đặt tên cho con vật này là Perucetus Colossus (cá voi khổng lồ của Peru). Con cá voi này thuộc họ Basilosaurid – nhóm sinh vật biển đã tuyệt chủng và sống cách đây khoảng 38 – 40 triệu năm trong kỷ Eocene.
Sinh vật này được mô tả là có cấu tạo gần giống một con lợn biển, sống dưới nước với chân sau teo nhỏ, vây đuôi đã phát triển nhưng chân trước vẫn còn khá rõ ràng. Giới khoa học từ lâu đã coi đây là động vật lớn nhất từng được ghi nhận.
Trước đó, hóa thạch của cá voi Perucetus Colossus đã được khai quật ở sa mạc ven biển phía Nam Peru với 13 đốt sống, 4 xương sườn và một xương hông. Chỉ riêng khối lượng xương của con vật đã được ước tính từ 5 đến 8 tấn.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định rằng, con vật này có chiều dài cơ thể khoảng 20m - ngắn hơn so lớn loài con cá voi xanh to lớn nhất từng được ghi nhận nhưng lại có trọng lượng lên tới 340 tấn. Trong khi đó, một con cá voi xanh chỉ có thể nặng khoảng 130-150 tấn.
Các nhà khoa học khai quật một hóa thạch đốt sống của Perucetus Colossus. Ảnh: Reuters
"Đặc điểm chính của loài động vật này chắc chắn là trọng lượng cực lớn, điều này cho thấy quá trình tiến hóa có thể tạo ra những sinh vật có những đặc điểm vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta", nhà sinh vật học Giovanni Bianucci thuộc Đại học Pisa (Italy) và cũng là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, do không tìm thấy xương sọ hoặc răng khiến việc giải thích chế độ ăn uống và lối sống của Perucetus colossus trở nên khó khăn hơn. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng con vật này không phải là loài săn mồi là loài vật kiếm ăn gần đáy của vùng nước nông ven biển.
“Có lẽ nó ăn động vật thân mềm và động vật giáp xác nhỏ ở vùng nước nông như loài cá voi xám. Hoặc nó có thể là loài ăn xác động vật có xương sống, tương tự như một số loài cá mập thân lớn còn tồn tại", ông Bianucci nói.
Cũng theo nhà sinh vật học Bianucci, việc nghiên cứu hóa thạch của Perucetus Colossus cho thấy rằng động vật biển có vú đã phát triển lớn khổng lồ ít nhất hai lần: trong thời gian tương đối gần đây với sự tiến hóa của cá voi tấm sừng hàm lớn và khoảng 40 triệu năm trước với sự phát triển của họ Basilosaurus.
Phương Uyên (Theo Reuters và AP)