Trứng gà lộn có "siêu bổ dưỡng" như trứng vịt lộn?
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, BS Trần Kim Anh thông tin, trứng là món ăn giá trị dinh dưỡng cao và cân bằng dinh dưỡng nhất trong các loại thực phẩm mà từ trẻ em đến phụ nữ mang thai, người già đều ăn được (trừ một số ít dị ứng với trứng).
Theo bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2006, trong trứng chứa protein, lipit, gluxit, các chất sắt, canxi, phốt pho, be-ta caroten, vitamin A, B1, B2, PP... (riêng trong trứng lộn còn có thêm vitamin C) cần thiết cho cơ thể.
Người có cholesterol cao, béo phì nên hạn chế, chỉ nên dùng 2-3 quả/1 tuần. Ảnh minh họa
Nếu so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g trứng gà và trứng gà lộn thì trong trứng gà lộn có hàm lượng sắt, canxi, phốt pho, beta-caroten, vitamin A, PP cao hơn hẳn trứng gà thường.
Như vậy, về thành phần dinh dưỡng, trứng gà lộn là loại thực phẩm bổ và không độc, mọi người đều ăn được kể cả người bị phong tê thấp và rất tốt cho phụ nữ mang thai và sau sinh.
Ai không nên ăn trứng gà lộn?
Nguồn tin này cũng dẫn lời của BS. Hoàng Xuân Đại cho biết, tuy trứng gà lộn là loại thức ăn bổ dưỡng nhưng không được lạm dụng. Khi ăn quá nhiều, cơ thể không dung nạp kịp, bị đào thải ra ngoài, thậm chí sinh tiêu chảy. Mặt khác không phải ai cũng dùng được.
Theo lời bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa kiện toàn dễ gây sình bụng, tiêu chảy.
Với trẻ từ 12 tuổi và người lớn có thể ăn 1 - 2 quả trứng gà lộn. Ảnh minh họa
Đối với trẻ 5 - 12 tuổi, lúc đầu chỉ nên ăn nửa quả trứng lộn mỗi ngày. Trứng lộn thích hợp cho trẻ nhỏ bị còi cọc, thể lực yếu… giúp trẻ cải thiện chiều cao. Trong trứng lộn chứa hàm lượng canxi cao, còn công hiệu hơn cả khi sử dụng các loại thuốc bổ khác.
Với trẻ từ 12 tuổi và người lớn có thể ăn 1 - 2 quả trứng gà lộn. Ăn trứng lộn rất thích hợp với những người hay ốm yếu, cơ thể suy nhược, xanh xao thiếu máu… Thời gian ăn có thể kéo dài liên tục 60 - 90 ngày. Trong thời gian bồi bổ bằng trứng lộn, không nên hút thuốc lá, không uống rượu bia, chăm chỉ tập thể dục đều đặn.
Cần lưu ý gì khi ăn trứng gà lộn?
Những người tăng cholesterol máu (rối loạn chuyển hóa mỡ), bệnh rối loạn chuyển hóa đạm (gút), suy gan, thận… không nên ăn các loại trứng lộn.
Khi bồi dưỡng bằng trứng lộn cũng không ăn nhiều gan động vật hay uống vitamin A hàm lượng từ trên 1.000 UI. Lý do, trong 100g trứng lộn chứa tới 3.914 UI vitamin A, chưa kể đến lượng beta caroten (tiền vitamin A) trong trứng lộn.
Nguyễn Linh (T/h)