Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Xi măng Công Thanh khiến chủ nợ Vietinbank như “ngồi trên đống lửa”

  • MATHOA
(DS&PL) -

Tình hình kinh doanh của Xi măng Công Thanh không mấy khả quan khi doanh nghiệp này liên tiếp chìm trong thua lỗ. Điều đó cũng khiến cho việc thanh toán khoản nợ nghìn tỷ cho chủ nợ lớn - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) bị cản trở.

Báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán năm 2022 của Công ty CP Xi măng Công Thanh (Xi măng Công Thanh) đã thể hiện phần nào bức tranh tài chính ảm đạm của doanh nghiệp này. Theo đó, năm 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.595 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ so với mức 2.500 tỷ cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn ghi nhận 1.748 tỷ khiến lợi nhuận gộp âm hơn 153 tỷ đồng. Lũy kế tại ngày 31/12/2022, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng. 

Tình hình kinh doanh của Xi măng Công Thanh không mấy khả quan khi doanh nghiệp này liên tiếp chìm trong thua lỗ

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Xi măng Công Thanh ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này cũng đã ghi nhận kết quả tương tự khi lợi nhuận trước thuế âm hơn 881 tỷ đồng. Năm 2021, Xi măng Công Thanh cũng đã ghi nhận vốn chủ sở hữu âm gần 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 4.898 tỷ đồng. 

Việc liên tục thua lỗ trong thời gian dài đã khiến Xi măng Công Thanh gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Vào thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này còn hơn 12.318 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm, nhưng các khoản nợ phải trả lên tới hơn 17.498 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 5.179 tỷ đồng. 

Đồng thời, Xi măng Công Thanh cũng đang có các khoản nợ phải trả khoảng 7.300 tỷ đồng với 2 ngân hàng lớn là Vietinbank và SHB. Trong đó, các khoản vay nợ tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 95,9% và hơn 288 tỷ đồng đang nợ ngân hàng SHB.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh ở thời điểm hiện tại 

Là chủ nợ lớn với nhiều nghìn tỷ đồng đã "tài trợ" cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Công Thanh, trước tình hình kinh doanh "bết bát" và thanh toán chậm trễ, ngày 24/3/2021, Vietinbank đã có văn bản yêu cầu Xi măng Công Thanh xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3 để thanh toán nghĩa vụ trả nợ còn thiếu. Tuy nhiên, sau đó, ngày 27/5/2021, Công ty có văn bản tới Vietinbank đề xuất chưa thực hiện xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3 với lý do công ty vẫn đang trả nợ dựa trên doanh thu và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã cam kết với Vietinbank. 

Tới ngày 5/4, phía Xi măng Công Thanh và Vietinbank đã thống nhất theo thỏa thuận tạm thời trả nợ tới ngày 30/6/2023 theo từng hợp đồng kinh doanh cụ thể, bao gồm cả clinker và xi măng, sau đó Vietinbank phối hợp với công ty tính toán chênh lệch dòng tiền thu và chi phù hợp cho sản xuất kinh doanh, từ đó Vietinbank có quyết định phương án phong tỏa hoặc thu nợ.

Tuy nhiên, rõ ràng, với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong thời gian qua đã khiến Xi măng Công Thanh gặp khó khăn trong việc thu xếp các nguồn vốn để trả nợ, cũng như khả năng duy trì hoạt động liên tục khiến cho các chủ nợ lớn như Vietinbank như “ngồi trên đống lửa”.

Về vấn đề này, Ban Giám đốc Xi măng Công Thanh cho biết, công ty vẫn có thể tiếp tục hoạt động liên tục, BGĐ cho rằng phía công ty vẫn có thể tạo ra dòng tiền hoạt động thuần để đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động và trả một phần khoản vay với các ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng thêm vốn nhằm mục đích trả nợ cũng như huy động thêm sự hỗ trợ tài chính từ nhà đầu tư mới và chủ nợ mới.

 

Tin nổi bật