Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Libya: Ngoại ô thủ đô Tripoli xảy ra nhiều vụ đụng độ lớn

(DS&PL) -

Các vụ đụng độ lớn đã nổ ra ở ngoại ô phía Nam thủ đô Tripoli của Libya ngày 20/4 trong bối cảnh giao tranh giữa lực lượng kiểm soát miền Đông và GNA diễn biến phức tạp.

Các vụ đụng độ lớn đã nổ ra ở ngoại ô phía Nam thủ đô Tripoli của Libya ngày 20/4 trong bối cảnh giao tranh giữa lực lượng kiểm soát miền Đông và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya diễn biến phức tạp.

Ngày 20/4, các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận đã tiến hành một đợt phản công lớn chống lại lực lượng Quân đội Libya tự xưng (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.

Các vụ đụng độ lớn đã nổ ra ở ngoại ô phía Nam thủ đô Tripoli của Libya. - Ảnh minh họa: Masdar News

Một chỉ huy của chiến dịch phản công này cho biết: "Chúng tôi đã có đủ lực lượng và tiến hành một đợt tấn công mới. Sáng sớm nay, lệnh tấn công đã phát đi và giành các thắng lợi đầu tiên trên chiến trường phía Nam Tripoli".

Đợt đụng độ mới nhất này nổ ra sau khi Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm trước đó với Tướng Khalifa Haftar, người chỉ huy lực lượng LNA. Hai bên đã thảo luận về những nỗ lực chống khủng bố cũng như sự cần thiết phải đạt được nền hòa bình và ổn định tại Libya.

Sau khi phát động cuộc chiến nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli và đạt được một số kết quả ban đầu, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya ủng hộ chính quyền ở miền Đông đang có biểu hiện bị sa lầy và hiện không thể phá vỡ tuyến phòng ngự của các lực lượng ủng hộ chính phủ GNA được Liên hợp quốc công nhận.

Diễn biến phức tạp có nguy cơ dẫn tới làn sóng phần tử cực đoan, bạo lực gia tăng tại Libya. Các phần tử khủng bố vốn đang hiện diện tại đây có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình leo thang bạo lực ở Libya.

Cuộc xung đột đã buộc Liên hợp quốc phải hoãn hội nghị quốc gia nhằm vạch ra lộ trình cho cuộc bầu cử quốc gia tại Libya.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giao tranh giữa các lực lượng đối địch ở Libya đã khiến hơn 200 người thiệt mạng, 1.000 người bị thương và hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Hiện nay, tại Libya có hai chính quyền tồn tại song song và đối lập nhau. GNA đóng tại thủ đô Tripoli, được phương Tây dựng lên và được Liên hợp quốc hậu thuẫn, kiểm soát khu vực miền Tây Libya. Kiểm soát miền Đông Libya là một chính quyền được thành lập bởi Nghị viện Libya, thực thể chính trị căn bản được nhân dân Libya bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, đóng tại Tobruk và được LNA của Tướng K.Haftar hậu thuẫn.

Xung đột chính trị biến đất nước Libya trở thành “vùng đất sống” của khủng bố và các tổ chức buôn người, tạo ra làn sóng dân di cư vượt Địa Trung Hải tràn vào châu Âu.

Vi An (T/h)

Tin nổi bật