Tính đến ngày 16/4, chiến dịch quân sự đánh chiếm thủ đô Tripoli (Libya) của lực lượng do tướng Khalifa Haftar chỉ huy dường như đã bị chặn đứng ở cửa ngõ phía Nam.
Các lực lượng của GNA vẫn kiên quyết cố thủ Tripoli, dân quân ở Misrata đưa pháo phản lực BM-21 Grad ra tiền tuyến chuẩn bị nã bão lửa xuống các đơn vị LNA. Ảnh: Getty |
Các lực lượng vũ trang trung thành với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) đã dồn sức phản kích, chặn đà tiến công của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) về hướng địa bàn Ain Zara. Ý đồ chia cắt tuyến cao tốc Tripoli-Misrata chạy dọc đường bờ biển của các đơn vị LNA cũng đã không thực hiện được.
Hàng loạt cuộc phản kích của GNA đã không cho phép LNA lấy lại quyền kiểm soát Sân bay Quốc tế Tripoli. Nhiều vụ đụng độ ác liệt vẫn diễn ra ở phía Nam sân bay, xung quanh trấn al-Swani.
Tuy nhiên LNA tiếp tục tăng cường thêm binh lực và trang thiết bị quân sự tới chiến tuyến bao quanh Thủ đô Tripoli. Động thái này chứng tỏ ban lãnh đạo LNA sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự của họ trong khu vực.
Cũng trong ngày 16/4, trang tin Người quan sát Libya cho biết đạn pháo của lực lượng trung thành với tướng Haftar đang tiếp tục nã vào các khu vực Abu Salim và Hai Entisar ở thủ đô Tripoli, phá hủy nhiều nhà cửa và giết chết nhiều người, trong đó có 1 phụ nữ.
Trước đó, ngày 14/4, GNA đã bắn rơi một máy bay MiG-21 của Không quân LNA trên bầu trời Ain Zara bằng một hệ thống phòng không vác vai (MANPAD). Phi công nhảy thoát khỏi máy bay nhưng vẫn đang mất tích.
Hình ảnh khủng khiếp về vụ nã pháo vào Tripoli khiến nhiều người thương vong. Ảnh: southfront.org |
Hôm 10/4, LNA cũng tuyên bố họ đã bắn hạ một máy bay L-39 của Không quân GNA nhưng cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác thực thông tin này.
Xung đột bùng phát sau khi nguyên soái Haftar ngày 4/4 ra lệnh cho lực lượng ở miền đông tiến về miền tây, tấn công Tripoli với tuyên bố "giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm". Lực lượng GNA hoạt động ở Tripoli kháng cự quyết liệt.
Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 174 người đã thiệt mạng khoảng 756 người khác bị thương và gần 20.000 người dân phải đi lánh nạn kể từ khi các cuộc đụng độ đầu tiên nổ.
Trong một diễn biến khác, Công tố viên Tòa án hình sự Quốc tế, bà Fatou Bensouda, người đã tham gia điều tra tội phạm ở Libya bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, kêu gọi các tướng lĩnh quân sự ngăn chặn tội ác chiến tranh. Bà khẳng định sẽ “không chần chừ mở rộng cuộc điều tra và kết tội nhằm vào bất kỳ ai phạm tội ác theo đúng thẩm quyền của Tòa.
Mộc Miên (Theo southfront.org)