Reuters đưa tin ngày 28/2 (giờ địa phương), Nghị viện châu Âu cấm nhân viên của mình sử dụng mạng xã hội TikTok trên điện thoại, trở thành cơ quan tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) cấm ứng dụng này. Động thái cũng nhấn mạnh sự bất an ngày càng gia tăng từ châu Âu đối với ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc).
Theo người phát ngôn của nghị viện, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 20/3 và sẽ áp dụng cho các thiết bị di động, máy tính bảng được đăng ký tại Nghị viện châu Âu. Nghị viện châu Âu cũng khuyến nghị các nhà lập pháp và nhân viên của tổ chức xóa TikTok khỏi ứng dụng cá nhân.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU cũng đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị điện tử của nhân viên vì lý do an ninh, đồng thời những tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại về việc dữ liệu của người dùng có thể bị thu thập. Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận việc về ý định truy cập dữ liệu từ TikTok.
Phía TikTok cho biết các lệnh cấm là sai lầm dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản.
"TikTok được 125 triệu công dân EU yêu thích, và tước quyền truy cập của người dùng là một bước tự chuốc lấy thất bại, đặc biệt khi chúng ta đang trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch", tuyên bố của TikTok có đoạn.
Logo của ứng dụng TikTok. Ảnh: Reuters.
Không chỉ ở châu Âu, một số quốc gia khác trên thế giới cũng đã ban hành lệnh cấm đối với ứng dụng chia sẻ video đến từ Trung Quốc. Thượng viện Mỹ cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu trong khi Canada cũng thông qua quyết định tương tự vào ngày 27/2. Ấn Độ cũng đã cấm sử dụng ứng dụng này trên toàn quốc.
Tại sao TikTok bị cấm?
Mối quan tâm chính của các quan chức Mỹ khi cấm sử dụng ứng dụng TikTok là các trung tâm bảo mật dữ liệu, đặc biệt là lo ngại về việc thông tin người dùng có thể bị truy cập.
Aynne Kokas, Giáo sư nghiên cứu truyền thông và giám đốc Trung tâm Đông Á tại Đại học Virginia, chia sẻ với ABC News rằng những lo ngại này tập trung cả vào rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như lợi thế kinh daonh dành cho các công ty Trung Quốc khi họ có thể tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, một số quan chức đã đưa ra cảnh báo rằng dữ liệu trên TikTok có thể được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch, có thể ảnh hưởng đến diễn ngôn chính trị và kết quả bầu cử. Bà Kokas cho biết: “Có những lo ngại về việc thiếu tính minh bạch trong thuật toán trên TikTok cũng như khả năng xảy ra thông tin sai lệch".
Liệu Mỹ sẽ cấm hoàn toàn TikTok?
Cho đến nay, các hạn chế đối với TikTok tại Mỹ ở cấp tiểu bang và liên bang chỉ tập trung vào việc cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị do chính phủ cấp và hiện không có lệnh cấm nào khác được đưa ra.
Giáo sư Kokas nói: “Có rất nhiều logic cho lệnh cấm thiết bị của chính phủ. Nó sẽ không liên quan đến tự do ngôn luận vì đây là những thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ".
Ngày 27/2, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các cơ quan liên quan cần xóa ứng dụng TikTok trên thiết bị trong vòng 30 ngày.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các hành động khác có thể thực hiện được, bao gồm cả quá trình làm việc với Quốc hội về vấn đề này", Olivia Dalton, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng, thông tin.
Đáp lại lệnh cấm của Mỹ đối với các thiết bị do chính phủ cấp, đại diện TikTok chia sẻ với ABC News: "Lệnh cấm TikTok trên các thiết bị liên bang đã được thông qua vào tháng 12/2022 mà không có bất kỳ sự cân nhắc nào. Thật không may, cách tiếp cận đó đã trở thành kế hoạch chi tiết cho các chính phủ khác trên thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng khi giải quyết các mối lo ngại an ninh quốc gia về TikTok ngoài các thiết bị của chính phủ, Quốc hội Mỹ sẽ cân nhắc các giải pháp không ảnh hưởng đếnviệc kiểm duyệt tiếng nói của hàng triệu người Mỹ".
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew dự kiến sẽ xuất hiện trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ vào tháng 3, về các hoạt động bảo mật dữ liệu của công ty.
Hơn một nửa số bang của Mỹ đã thực hiện các bước hướng tới lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và những người ủng hộ đã tìm cách mở rộng lệnh cấm cho tất cả người dùng ở Mỹ.
Trao đổi với ABC News, các chuyên gia cho rằng khả năng ban hành lệnh cấmTikTok hoàn toàn tại Mỹ vẫn còn thấp. Nếu lệnh cấm được thực thi, nó sẽ cần đối mặt với thách thức tại tòa án.
Trong một lá thư gửi các nhà lập pháp liên bang vào ngày 27/2, Liên minh Quyền tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã lên tiếng phản đối lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok. Jenna Leventoff, cố vấn chính sách cao cấp tại ACLU cho biết: “Quốc hội không được kiểm duyệt toàn bộ nền tảng và tước bỏ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt theo hiến pháp của người Mỹ".
Bích Thảo (Theo Reuters, ABC News)