Liên quan đến vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM – ông Lê Văn Thinh cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ánh, đơn vị đã cử đoàn công tác khẩn trương phối hợp chính quyền địa phương để chuyển các bé về cơ sở bảo trợ công lập của thành phố.
Từ chiều 4/9 đến nay, các bé đã được sống trong môi trường mới, với điều kiện sinh hoạt, vui chơi đảm bảo. Ông Thinh cho biết, thành phố luôn có nguồn ngân sách dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh trong công tác bảo trợ xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã gửi văn bản yêu cầu chính quyền địa phương xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật, báo Thanh Niên thông tin.
lap-3-to-cong-tac-kiem-tra-79-co-so-bao-tro-xa-hoi-tai-tp-hcm-9998.jpg
Theo ông Thinh, vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng là điều không ai mong muốn: "Các vấn đề xã hội luôn tồn tại. Ở góc độ quản lý nhà nước, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp địa phương kiểm tra để quản lý, giám sát tất cả cơ sở bảo trợ xã hội đã cấp phép cũng như ngăn chặn các trường hợp không phép mà hoạt động không đúng quy định pháp luật", ông Thinh nói.
"Mái ấm Hoa Hồng được cấp phép hoạt động. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ trước khi cấp giấy phép cần phải được đặc biệt quan tâm. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương khi cấp phép phải đối chiếu các quy định và kiểm tra về các tiêu chí như cơ sở vật chất, đội ngũ bảo mẫu, nhân sự…", Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thêm.
Cũng theo ông Thinh, đơn vị sẽ thành lập 3 tổ công tác để kiểm tra và rà soát 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp phép và 16 cơ sở công lập về điều kiện vật chất và nhân sự. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM yêu cầu TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường giám sát các cơ sở đã cấp phép.
Ông Thinh cho rằng, đội ngũ bảo mẫu trên địa bàn TP.HCM cần được tập huấn, đặc biệt về sức khỏe tinh thần, để tránh các áp lực công việc có thể gây ra xung đột với trẻ em.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 5/9, Công an TPHCM đã thông tin ban đầu về vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12) gây xôn xao dư luận.
Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 xác định 5 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em, theo báo Tiền Phong.
Nguyễn Thị Ngọc Cẩm tại cơ quan công an. Ảnh: Thanh Niên
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 bảo mẫu có mặt tại cơ sở là bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, quê Đồng Nai) và T.M.N. (sinh năm 1953, quê Cà Mau). Còn 3 trường hợp không có mặt gồm: N.T.Q. (sinh năm 1983, quê Tiền Giang), Đ.T.K.L. (sinh năm 1978, ngụ quận Bình Thạnh) và D.N.T. (sinh năm 1977, quê Sóc Trăng).
Qua làm việc, bà Cẩm thừa nhận trong quá trình chăm sóc các trẻ tại mái ấm Hoa Hồng đã nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá.
Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan công an nhận định hành vi của bà Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự nên đã ra quyết định tạm giữ để phục vụ điều tra.
Đồng thời, các Tổ công tác của Công an quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng phối hợp Công an các tỉnh, đưa 3 đối tượng còn lại về trụ sở để làm việc.
Hiện Công an quận 12 đang khẩn trương củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng.