Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 2/1/2025 của Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau buổi làm việc với tỉnh Lào Cai.
Theo đó, Thủ tướng nhận định những thế mạnh riêng biệt của Lào Cai, đồng thời nêu rõ những khó khăn, thách thức còn tồn tại. Thủ tướng cũng ghi nhận sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lào Cai trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh,...
Tỉnh Lào Cai có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai tiếp tục có nhiều điểm sáng, tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,38%, cao hơn năm 2023 (5,11%); GRDP bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm 2023. Quy mô kinh tế ước đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023. Tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ước đạt 3,625 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,65%; lượng khách du lịch ước đạt 7,8 triệu lượt khách, tăng 8%; tổng nguồn vốn tín dụng ước đạt 70.800 tỷ đồng, tăng 10%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhưng vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.
Đặc biệt, Lào Cai luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước, năm 2024 ước đạt 120,6% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt 12.800 tỷ đồng, vượt 39,5% dự toán trung ương giao và tăng 35,9% so với năm 2023; công tác xây dựng nhà ở xã hội được triển khai tích cực (trong đó đã và đang thực hiện 06 dự án với quy mô 4.851 căn hộ, đạt 63% mục tiêu Đề án Chính phủ giao đến năm 2030); công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà bị ảnh hưởng của bão số 3 được thực hiện quyết liệt (đến nay đã thực hiện được khoảng 5.397 nhà, đạt 50% kế hoạch). Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh,…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Lào Cai vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, hiện đại...
Thủ tướng đề nghị tỉnh Lào Cai tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt trên 10% ngay từ năm 2025; chú trọng duy trì, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới (phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; khai thác hiệu quả không gian rừng; tăng cường thu hút đầu tư và các ngành, lĩnh vực mới...).
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển xanh với mục tiêu xuyên suốt là: "Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân, giữ biên giới". Đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại có thế mạnh như du lịch, vận tải, logistic; đồng thời tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin...
Toàn tỉnh đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế cửa khẩu trở thành điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh Lào Cai và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.