Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, việc cho gần 2 triệu học sinh TP.HCM đi học trở lại ngay sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Ngày 25/2, tại buổi họp về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nói rõ lý do tại sao TP.HCM phải đề xuất cho học sinh đi học chậm trở lại.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bệnh dịch Covid-19 là bệnh cần nhiều người để chăm sóc, chữa trị. Cụ thể, trường hợp của 2 cha con người người Trung Quốc, nhiễm Covid-10 và được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua. Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải huy động cả 1 khoa để chữa trị cho 2 bệnh nhân này. Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca là 1 bác sĩ và khoảng 5 điều dưỡng, y tá. Như vậy, 1 ngày là 3 bác sĩ và 15 điều dưỡng, y tá phục vụ.
Theo ông Nhân, với cường độ trên, sẽ phải mất rất nhiều nhân lực và thời gian để chữa trị cho một ca nhiễm Covid-19. Nếu con số bệnh nhân vượt quá 1.000 người, mọi chuyện sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, phải phát hiện và ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lây lan.
Ông Nhân cũng cho hay, hiện tất cả các quận, huyện có gần 1.000 giường cách ly. Vì vậy, phải ngăn chặn để không có quá 1.000 người phải chữa.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Tại cuộc họp, Bí thư Nhân yêu cầu các sở, ngành cần chuẩn bị kỹ lưỡng công tác đảm bảo an toàn trước khi cho học sinh trên địa bàn quay lại học tập. Ông cho biết chỉ một bất cẩn trong việc phòng dịch có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Ông Nhân cũng yêu cầu các sở, ngành và chuyên gia có mặt phải trả lời rõ câu hỏi học sinh đi học có cần đeo khẩu trang hay không. Ông Nhân cho biết hiện, thông tin về việc đeo khẩu trang cho trẻ đến trường trong mùa dịch còn chưa rõ ràng khiến nhiều người chưa an tâm.
"Cần trả lời được khi nào thật sự cần đeo khẩu trang, không thể người đeo, người không được. Nếu chưa trả lời được câu hỏi này thì cũng không thể trả lời câu hỏi bao giờ học sinh đi học lại", Bí thư Nhân đề nghị.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc cho gần 2 triệu học sinh TP.HCM đi học trở lại ngay sẽ tăng nguy cơ lây nhiễn Covid-19. TP.HCM đã kiến nghị Chỉnh phủ cho học sinh nghỉ hết tháng 3.
Theo ông Phong, trong trường hợp Trung ương quyết định cho học sinh quay lại trường vào đầu tháng 3 thì TP.HCM sẽ sử dụng phương án đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo để tránh bị động.
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất chia lộ trình đi học lại cho học sinh, sinh viên tại thành phố để giảm bớt áp lực cho ngành giáo dục khi gần 2 triệu học sinh và cán bộ đồng loạt nhập học. Cụ thể, sở kiến nghị ở cấp mầm non, trẻ 5 tuổi sẽ đi học lại trước từ ngày 16/3 nhưng không tổ chức ăn sáng. Thời gian tổ chức các lớp khác của mầm non tùy theo tình hình thực tế.
Ở cấp tiểu học, sở đề xuất học sinh lớp 5 đi học lại từ 16/3 nhưng không ăn bán trú, chỉ tổ chức học một buổi. Các khối còn lại sẽ tùy theo tình hình dịch để trở lại trường.
Với cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên, học sinh cuối cấp (lớp 9) có thể đi học lại từ 2/3, không tổ chức bán trú, chỉ học 1 buổi. Các khối còn lại đến trường vào ngày 16/3.
Với cấp trung học phổ thông, học sinh lớp 12 có thể đi học lại từ ngày 2/3 nhưng chỉ học 1 buổi trong ngày. Các khối còn lại đi học lại từ 16/3.
Các trung tâm giáo dục dân lập như trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm... có thể đi học lại từ 16/3. Đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự quyết định thời gian đi học dựa trên phương thức đào tạo theo mốc thời gian từ ngày 2/3.
Theo ông Phong, các phương án của sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra trong cuộc họp chỉ là đề xuất. Phương án cuối cùng vẫn phải chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Yên (T/h)