(ĐSPL) - “Muốn ngăn chặn được tình trạng ban hành văn bản “trên trời”, nếu cán bộ làm sai là phải kỷ luật, cách chức ngay, ngay cả người lãnh đạo ký những văn bản đó cũng phải xem xét kỷ luật”. Đó là nhận định của TS. Lê Hồng Sơn- Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khi trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật về thực trạng văn bản “trên trời”.
Theo TS. Lê Hồng Sơn, việc ban hành văn bản sai trái có rất nhiều lý do, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế hiện nay còn nhiều bất cập, kẽ hở; trong đó phải khẳng định rằng yếu tố con người là quan trọng nhất. Chúng ta chưa để ý đến việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ chuyên nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế đã cho thấy những cán bộ đang được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách còn thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh...
TS. Lê Hồng Sơn- Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). |
Ông Sơn thẳng thắn: “Tôi từng nghe có tình trạng cấp trên “khoán trắng” cho cấp dưới xây dựng văn bản. Trong khi đó, cấp dưới tiếp tục “khoán trắng” cho các chuyên viên của mình thực hiện. Thực tế đó dẫn đến hiện tượng có những văn bản của bộ này, bộ kia, tỉnh này, tỉnh kia nhưng cuối cùng có khi chỉ do một nhóm nhỏ chuyên viên làm từ A tới Z. Mà không ít những chuyên viên này thuộc dạng “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại phải làm việc trong sự thúc ép tiến độ thì rất khó đảm bảo hiệu quả”.
Ở một góc độ khác, TS. Lê Hồng Sơn cũng nhắc tới hiện tượng “lốp-bi” để có lợi ngay từ khâu thể chế chính sách. “Trên thực tế, chúng tôi đã phát hiện chùm văn bản của một số bộ vừa ban hành đã gây phản ứng của người dân và dư luận. Thậm chí, có câu chuyện cán bộ cấp vụ, cấp cục cố tình bày đặt ra những quy trình, thủ tục, giấy phép con để “hành” doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh và người dân. Trong khi đó, cơ chế giám sát và xử lý các văn bản sai trái của ta chưa rõ ràng, thì đây là một vấn đề khó. Có những văn bản sau khi được ban hành, ai cũng nhận diện được là “có vấn đề”, nhưng ngăn chặn, xử lý như thế nào là cả một quãng đường dài. Thậm chí việc lấy ý kiến đóng góp, tham vấn rất qua loa, hình thức khiến chính sách dự kiến trong dự thảo văn bản đó không đủ độ chín”, ông Sơn phân tích.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để xảy ra hậu quả trong quá trình ban hành văn bản có thể phải xem xét đến trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ khẳng định có hành vi cố ý làm trái. Thậm chí, phải bồi thường trách nhiệm do văn bản trái luật gây ra.
Trao đổi với PV, TS. Lê Hồng Sơn cho hay: “Theo tôi, muốn ngăn chặn được tình trạng ban hành văn bản “trên trời”, các cơ quan phải tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát ban hành văn bản. Nếu cán bộ làm sai là phải kỷ luật, cách chức ngay, ngay cả người lãnh đạo ký những văn bản đó cũng phải xem xét kỷ luật. Ngay như việc 4-5 cán bộ ở các bộ ngành bị kỷ luật, điều chuyển công tác khác thực chất cũng chỉ là hình thức “kỷ luật mềm".
Theo quan điểm của ông Sơn, những trường hợp này nếu xem xét trách nhiệm đến cùng, thì phải cách chức, buộc thôi việc, phải bồi thường. Thậm chí, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng như chuyện cán bộ dùng bằng giả, không chỉ xử lý cảnh cáo, phê bình, rút kinh nghiệm. Với những trường hợp đó phải cho buộc thôi việc. Được biết, sắp tới Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính, trong đó sẽ tính tới cơ chế buộc cơ quan ban hành văn bản trái luật, có quy định “trời ơi đất hỡi” gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức phải bồi thường, xin lỗi xứng đáng.