Đóng

Tiềm lực tăng trưởng trong vành đai 1 - "trung tâm kinh tế lõi" của Hà Nội

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Khu vực nội đô cổ nằm trong Vành đai 1 của Hà Nội, nơi dự kiến được tổ chức lại giao thông từ ngày 1/7/2026, là "trung tâm kinh tế lõi" của Thủ đô.

Vành đai 1 gồm những đường nào?

Khu vực Vành đai 1 Hà Nội có lộ trình cơ bản bao gồm các tuyến Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ - Lạc Long Quân - Bưởi - Cầu Giấy - Voi Phục - Hoàng Cầu - La Thành Ô Chợ Dừa - Xã Đàn - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái - Trần Khánh Dư - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật.

Vành đai 1 là tuyến giao thông đầu tiên bao quanh vùng lõi nội đô. (Ảnh: VTC News)

Theo VTC News, vành đai 1 là tuyến giao thông đầu tiên bao quanh vùng lõi nội đô, với tổng chiều dài 7,2 km, đi qua địa bàn nhiều phường trung tâm Hà Nội.

Tuyến đường này được hình thành từ nhiều tuyến phố sẵn có, kết nối thành một vòng khép kín, đóng vai trò trục giao thông xuyên tâm quanh trung tâm thành phố, nơi tập trung các cơ quan hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch lớn nhất của Thủ đô.

Điểm khởi đầu của Vành đai 1 nằm ở khu vực Nghi Tàm, Yên Phụ, gần đầu cầu Nhật Tân. Đây là đoạn đường ven sông Hồng nổi tiếng với những cây cầu huyết mạch kết nối khu vực nội đô với sân bay quốc tế Nội Bài.

Tiếp đến là đoạn Lạc Long Quân, tuyến đường nằm dọc Hồ Tây với cảnh quan thông thoáng, bên kia là khu vực Tây Hồ, một trong những nơi phát triển mạnh mẽ về các dự án bất động sản, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và trụ sở các bộ ngành Trung ương.

Khu vực đường Bưởi tiếp tục giữ vị trí chiến lược khi nối Lạc Long Quân với Cầu Giấy, tạo thành một trong những trục giao thông đông đúc nhất Thủ đô.

Kinh tế vành đai 1 có gì?

Tại họp báo đầu năm 2025, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tăng 6,52% so với năm trước. Quy mô GRDP năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1,426 triệu tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng/người, tăng 8,8% so với năm 2023.

Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, GRDP của riêng khu vực nằm trong Vành đai 1 Thủ đô năm 2024 ước đạt khoảng 211.700 tỷ đồng. Con số này được xác lập dựa trên tổng hợp GRDP của quận Hoàn Kiếm cũ, địa bàn gần như nằm trọn trong vành đai 1, cùng với phần đóng góp từ các khu vực thương mại, dịch vụ trọng điểm thuộc quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng cũ, trước khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Việc phân bổ được tính toán theo tỷ lệ diện tích của từng quận cũ nằm trong phạm vi các tuyến đường Vành đai 1, kết hợp với cơ cấu kinh tế đặc thù của từng địa bàn trước sáp nhập.

Như vậy, riêng GRDP khu vực Vành đai 1 đã chiếm khoảng 15% tổng GRDP của cả TP Hà Nội năm 2024, dù địa bàn này chiếm chưa tới 1% diện tích toàn thành phố.

Bên trong Vành đai 1 là khu vực kinh tế sôi động bậc nhất Thủ đô. (Ảnh: ZNews)

Theo Tạp chí Tri thức, bên trong Vành đai 1 cũng là khu vực tập trung dày đặc các hộ dân cư, cửa hàng mặt phố, văn phòng công ty, cơ quan bộ ngành Trung ương, trụ sở hành chính cấp thành phố, bệnh viện lớn, trường đại học trọng điểm và các tuyến phố thương mại truyền thống.

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế khu vực này nghiêng về dịch vụ, thương mại, tài chính, hành chính công và bất động sản.

Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nằm trong khu vực này vẫn thường được giới đầu tư mệnh danh là “Phố Wall” tại Hà Nội khi quy tụ hàng loạt trụ sở hành chính liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội...

Bên cạnh đó, 4 ngân hàng lớn nhất thị trường Việt Nam gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cùng hàng loạt ngân hàng tư nhân quy mô lớn như Techcombank, SHB, Eximbank, LPBank, TPBank, VIB... các tổng công ty, tập đoàn bảo hiểm, chứng khoán lớn đều đặt trụ sở chính tại khu vực này. Đưa khu vực bên trong Vành đai 1 thành điểm kết nối giữa các tổ chức tài chính tiêu dùng, đầu tư và tín dụng.

Không chỉ là trung tâm hành chính và tài chính, khu vực bên trong Vành đai 1 còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn từ hoạt động cho thuê mặt bằng thương mại, một trong những trụ cột thu hút dòng tiền tại vùng lõi Thủ đô.

Tin nổi bật