Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lãnh đạo Cục Trồng trọt “xử lý” cán bộ chưa thoả đáng?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên cơ sở một quy trình chặt chẽ, thế nhưng, khi xảy ra bất cập, những mắt xích không then chốt lại bị xử lý nặng...

(ĐSPL) - Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên cơ sở một quy trình chặt chẽ “từ dưới lên trên”. Thế nhưng, khi xảy ra “bất cập”, những mắt xích không then chốt lại bị xử lý ở mức độ “nghiêm trọng”?
Báo Đời sống và Pháp luật nhận được đơn kêu cứu của một số cán bộ, nhân viên thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về việc Cục này đã xử lý kỷ luật không đúng người, đúng tội theo kết luận thanh tra liên quan đến Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT. Đồng thời, theo đơn thư phản ánh, Cục này còn ký nhiều văn bản cho nhập khẩu phân bón trái luật? Vậy, đằng sau những quyết định xử lý kỷ luật này là gì? Điều gì đang diễn ra ở Cục Trồng trọt?
Xử lý kỷ luật chưa “đúng người, đúng tội”?
Trong đơn gửi đến cơ quan báo chí, hàng loạt công chức, viên chức thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có phản ứng về việc xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan trong việc xây dựng Thông tư số 38/2013/TT-BNNPTNT ngày 09/8/2013.
Theo đơn kiến nghị, dựa vào kết luận thanh tra mang tính chất chung chung, Cục Trồng trọt đã tiến hành “xử” hàng loạt cán bộ của mình. Sự việc đang khiến dư luận quan tâm bởi nhiều người cho rằng, lãnh đạo Cục này đang lấy cớ kết luận thanh tra để trù dập cán bộ?
Hàng loạt đơn thư gửi đến cơ quan báo chí cho rằng việc xử lý cán bộ ở Cục Trồng trọt không công bằng.
Cụ thể, ngày 09/8/2013, Bộ NN&PTNT đã ký ban hành Thông tư số 38/2013/TT-BNNPTNT về Danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Thông tư do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ký. Theo Thông tư này, có 785 loại phân bón được bổ sung và 193 loại phân bón được thay thế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 23/9/2013.
Tuy nhiên ngay sau khi ra đời, Thông tư này đã vấp phải một số ý kiến phản hồi vì “có những bất cập” chưa hợp lý. Vì vậy, vào đúng ngày Thông tư có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã ký Quyết định số 2158/QĐ-BNN-PC về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT .            
Ngày 24/9/2013, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BNN-TTr về việc thanh tra trình tự, thủ tục ban hành Thông tư số 38/2013/TT-BNNPTNT ngày 09/8/2013 của Bộ NN&PTNT. Ngày 05/11/2013 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 2619/QĐ-BNN-TTr về việc gia hạn thời gian thanh tra.
Ngày 19/12/2013, Đoàn Thanh tra đã có kết luận số 4513/KL-BNN-TTr; trong đó nêu rõ những tồn tại, sai phạm của các cá nhân, tập thể có liên quan. Cụ thể: Đoàn Thanh tra đã kiểm tra 948/978 loại phân bón (30 hồ sơ loại phân bón Cục Trồng trọt chưa cung cấp được tại thời điểm này).
Đoàn Thanh tra phát hiện, đối với 660/675 loại công nhận phân bón mới (thiếu hồ sơ 15 loại) thì 660 loại không có biên bản kiểm tra của Cục Trồng trọt trong quá trình khảo nghiệm; 327 loại không có biên bản đánh giá đề cương khảo nghiệm của Hội đồng cơ sở; 568 loại không có văn bản báo cáo của sở NN&PTNT trước và sau quá trình khảo nghiệm; 660 loại thiếu diện tích khảo nghiệm diện rộng; 665 loại thiếu số lượng thí nghiệm khảo nghiệm.
Còn đối với 180/193 loại phân bón sang tên, chuyển đổi chủ sở hữu, đổi tên phân bón (thiếu hồ sơ 13 loại) thì có 162 hồ sơ thiếu thủ tục như: đơn đăng ký, chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng, đơn cam kết phân bón không trùng trong danh mục...
Kết luận Thanh tra Bộ NN&PTNT yêu cầu: “Cục Trồng trọt kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể và cá nhân có liên quan thuộc diện cán bộ do Cục quản lý; kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo và tập thể liên quan đối với 8 đơn vị trực tiếp tham gia khảo nghiệm; kiểm điểm trách nhiệm của Hội đồng có vi phạm”.        
Ngày 19/01/2014, Cục Trồng trọt đã tiến hành kiểm điểm tập thể Cục Trồng trọt và các cá nhân lãnh đạo Cục. Kết luận tập thể Cục Trồng trọt chịu hình thức khiển trách, các lãnh đạo Cục Trồng trọt tự phê bình, không áp dụng hình thức kỷ luật.
Tiếp đó, ngày 19/2/2014 Cục Trồng trọt đã tiến hành họp kiểm điểm các cá nhân có liên quan. Kết quả 3 viên chức (thuộc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia) và 3 công chức (thuộc khối văn phòng) của Cục này đã bị xử lý kỷ luật với các hình thức: cách chức, giáng chức, cảnh cáo do đã gây “hậu quả nghiêm trọng”.
Chính vì vậy, nhiều cán bộ, nhân viên của Cục Trồng trọt đã tỏ ra hết sức bất bình vì cách thức kiểm điểm và xử lý kỷ luật của lãnh đạo Cục.
“Những con tốt thí” trong “ván cờ” cần nước thoái?
Theo phản ánh của một số cán bộ bị kỷ luật thì họ chỉ là những người tham mưu và họ đã làm đúng quy trình xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục.
Cụ thể là: Căn cứ vào hồ sơ xin phép khảo nghiệm của doanh nghiệp, Cục Trồng trọt cấp giấy chứng nhận khảo nghiệm qui định rõ loại phân khảo nghiệm, loại đất và loại cây trồng cần khảo nghiệm, thời gian và đơn vị được phép khảo nghiệm.
Cục Trồng trọt cũng cấp công văn cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm. Các đơn vị được cấp phép sẽ tiến hành khảo nghiệm trên đồng ruộng theo quy định.
Xong bước này, đơn vị sẽ có đơn xin đưa sản phẩm ra hội đồng khoa học để thẩm định. Cục Trồng trọt sẽ ký quyết định thành lập hội đồng khoa học công nghiệp để nghiệm thu các kết quả khảo nghiệm.

Kết luận thanh tra tại Cục Trồng trọt.
Nếu kết quả được hội đồng khoa học công nhận, sau khi tuân thủ qui trình thủ tục, sản phẩm sẽ được Cục trưởng Cục Trồng trọt ký quyết định ban hành.
Căn cứ trên các quyết định này, Phòng Sử dụng đất, phân bón làm Tờ trình, xây dựng dự thảo Thông tư và danh mục, gửi Phòng Pháp chế rà soát. Sau khi hoàn chỉnh, Dự thảo Thông tư được gửi Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ rà soát kiểm tra lần cuối và trình Bộ trưởng ký ban hành.
Như vậy, để có sự ra đời của Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT là kết quả của một tập thể và sự tham gia của nhiều cục, vụ, đơn vị... trên cơ sở một quy trình chặt chẽ như trên. Do đó, sai phạm (nếu có) không thể “đổ lên đầu” 3 cá nhân tham mưu, trong khi những người trực tiếp chỉ đạo, điều hành lại vô can?
“Chúng tôi với vai trò đơn vị tư vấn đã làm hết sức, đã đề xuất và được Lãnh đạo Cục chấp thuận ký ban hành tất cả các giấy tờ có liên quan và không hề có dấu hiệu lợi dụng chức quyền để tham nhũng trục lợi. Trong khi đó lãnh đạo Cục Trồng trọt (những người đã ký phê duyệt) chỉ tự nhận phê bình và kiểm điểm sâu sắc, còn chúng tôi lại nhận những hình thức kỷ luật rất nặng với lý do gây hậu quả nghiêm trọng”- một cán bộ Cục Trồng trọt phản ánh.
Liên quan đến vấn đề trên, trả lời phóng viên Báo Gia đình Việt Nam, ông Phạm Đồng Quảng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, việc xử lý kỷ luật là theo ý kiến chỉ đạo trực tiếp của cấp trên (?)
“Chúng tôi xử lý như vậy cũng cực chẳng đã. Hiện tại chúng tôi đã có hình thức buộc thôi việc 3 cán bộ, viên chức. Riêng đối với các cán bộ công chức tôi còn phải suy nghĩ…”- ông Quảng nhấn mạnh.
Cũng liên quan về việc xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan trong việc xây dựng Thông tư số 38/2013/TT-BNNPTNT ngày 09/8/2013, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều phản ánh cho rằng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đã “phớt lờ” Nghị định số 57/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/12/2010 về việc bãi bỏ các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là việc liên quan đến việc quy hoạch cho chức danh Cục trưởng?
Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn, phải chăng những cán bộ bị kỷ luật nêu trên chỉ là “những con tốt thí” trong một “ván cờ” cần đến nhiều nước thoái?!
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Tin nổi bật