Đóng

Làng ươm tơ bằng tay nổi tiếng nhất Việt Nam

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những sợi tơ óng ả được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân vẫn luôn giữ được giá trị và sức hút đặc biệt.

Theo thông tin từ VnExpress, Làng Cổ Chất, xã Trực Ninh 2, Ninh Bình (từ ngày 1/7/2025, hợp nhất xã Trực Chính, xã Phương Định và xã Liêm Hải thành xã Trực Ninh 2 và sáp nhập tỉnh Hà Nam, Nam Định và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình mới) nằm bên dòng sông Ninh Cơ có nghề nuôi tằm, trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng khắp cả nước. Ngày nay, làng nghề đã bị mai một đi nhiều, chỉ còn ít hộ còn giữ được quy trình chế biến thủ công.

Trước kia tơ sản xuất thủ công chỉ được dùng để đan lưới đánh bắt cá trên sông, sau này người Cổ Chất du nhập thêm nghề ươm, se tơ, dệt lụa. Tơ Cổ Chất được làm thủ công rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng

Kén nhập về trong một tuần phải ươm ngay nếu không sẽ nở thành bướm và đứt sợi. Kén tằm tốt phải mẩy, dễ kéo, ít áo kén, không cần lớn, nhưng đồng dạng về hình dáng và kích thước.

Người thợ đun kén trong nước sôi 100 độ C cho keo tơ tan ra để dễ dàng rút thành từng sợi. Ảnh: Gia đình và Xã hội.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Đến thời Pháp thuộc, tơ lụa Cổ Chất nổi tiếng nhất trong cả nước, chất lượng và vẻ mịn đẹp còn hơn cả tơ lụa ở làng Vạn Phúc và Nha Xá. Bởi thế, người Pháp thường hay mua lụa Cổ Chất rồi chuyển theo đường tàu hỏa, hay theo đường thủy về nước.

Đầu thế kỉ XX, nhận thấy tơ Cổ Chất sánh được với tơ sợi Trung Hoa, Ấn Độ, giới tư bản Pháp đầu tư một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng. Từ đây, thương nhân các nơi thường tìm về làng Cổ Chất mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè.

Trải qua hàng trăm năm, nghề ươm tơ có lúc lên lúc xuống, có lúc nghiệt ngã, nhưng người Cổ Chất đã ăn đời ở kiếp với tơ tằm, với dệt lụa nên nghề vẫn ở với họ, theo Gia đình và Xã hội.

Thời gian trước, mỗi gia đình là một lò dệt tơ nhưng đến nay nghề đã mai một, người dân không tự trồng dâu nuôi tằm được nên phải nhập kén. Tháng 2, 3, 8, 9, 10 là thời điểm mát mẻ sẽ ươm được kén trắng, thời điểm còn lại chủ yếu làm kén đỏ.

Trong quá trình ươm tơ, người thợ đun kén trong nước sôi 100 độ C cho keo tơ tan ra để dễ dàng rút thành từng sợi. Công đoạn se tơ, có nhiều cách xử lý cho ra các sợi tơ với tên gọi khác nhau là sợi mốt, sợi đũi, sợi mành. Kén tằm mua về sẽ được chọn, phân loại 1 và loại 2 sau đó làm tơi kén để ươm nếu không sợi sẽ bị đứt.

Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Ảnh: VnExpress.

Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Các thương lái đến mua ở tận làng, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận Hà Nội, tuy nhiên tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc.

Các sản phẩm tơ của làng Cổ Chất tuy nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt và độ bền đẹp nhưng ngày nay những người đã từng làm nghề và thế hệ trẻ phần vì không đủ tâm huyết để theo nghề, phần vì giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm, những ai muốn theo nghề phải vô cùng vất vả để tìm kiếm nguồn nguyên liệu lẫn thị trường.

Người dân ở làng chia sẻ, để góp phần gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa truyền thống, một số hộ dân hiện đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn se tơ, dệt lụa, cho năng suất và thu nhập cao hơn. Nhờ kỹ thuật ươm tơ của người xưa, sản phẩm tơ lụa Cổ Chất hiện đại dù sản xuất thủ công hay máy móc đều có chất lượng cao, sợi tơ mảnh mà bền, mượt mà, óng ả bắt mắt.

Các sản phẩm tơ của làng Cổ Chất tuy nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt và độ bền đẹp. Ảnh: Gia đình và Xã hội.

Năm 2021, Hợp tác xã lụa Cổ Chất được thành lập, quy tụ những nghệ nhân lành nghề từ 11 hộ gia đình còn gìn giữ được kỹ thuật ươm tơ cổ truyền.

Hiện nay, những người thợ tâm huyết đã nghiên cứu thị trường, tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống cho ra đời các sản phẩm lụa cao cấp, đồng thời cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các thương hiệu thời trang trong nước và Quốc tế.

Tin nổi bật