Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làng sản xuất “ngựa vàng” sẵn sàng đón Tết

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Để đảm bảo đủ sản phẩm "ngựa vàng" phục vụ nhu cầu của người dân, những hộ sản xuất vàng mã ở xóm 1, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bắt tay sản xuất từ tháng 10 Âm lịch.

(ĐSPL) – Những ngày cuối năm, nhiều hộ sản xuất vàng mã ở xóm 1, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang tất bật với việc sản xuất những chú ngựa dát vàng để đảm bảo đủ sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.

Đã sang ngày 22/12 Âm lịch năm Giáp Ngọ, Tết ông Công ông Táo cận kề, Tết Nguyên đán Ất Mùi cũng đã sắp gõ cửa, làng sản xuất vàng mã ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân lại tất bật hơn bao giờ hết.

Những hộ làm hàng mã ở đây chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: Ngựa, hổ, tòa sơn trang, kiệu, thuyền, bè… Nhưng chiếm ưu thế nhất là sản phẩm chuyên về ngựa giấy, hay còn gọi là ông Mã. Do con ngựa là một trong những con vật thường dùng tế thần nên năm nào người dân nơi đây cũng đầu tư nhiều vào sản xuất "ngựa vàng". Còn một số sản phẩm khác như: Đinh vàng, tiền, vàng thỏi… những đại lý này thường nhập từ miền Bắc về.

Có mặt tại một hộ gia đình đã có thâm niên làm ngựa, voi dát vàng gần chục năm nay ở xóm 1, chúng tôi đều trầm trồ trước sự tỉ mẩn, khéo tay của những thợ lành nghề… Đôi bàn tay đang thoăn thoắt làm việc, ông Nguyễn Xuân Kiểu, một hộ dân sản xuất ngựa vàng ở xóm 1 cho biết: “Giá cả năm nay không có gì biến động hơn so với mọi năm hay ngày thường. Giá mỗi con ngựa dát vàng được bán ra thị trường là 350 ngàn đồng, ngựa có kích thước nhỏ hơn là 250 ngàn đồng, tòa sơn trang có giá từ 500 – 600 ngàn đồng…".

"Để đảm bảo đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường trong dịp lễ tết này, tôi cùng các công nhân đang phải ngày đêm làm việc, không có phút nào nghỉ tay", ông Kiều cho biết thêm..

Đôi bàn tay khéo léo đang tỉ mẩn với từng chi tiết.

Các công đoạn hoàn thiện một con ngựa giấy thường mất không quá nhiều thời gian nhưng nó đòi hỏi sự cẩn thận và khéo tay của người thợ. Vì thế những sản phẩm này đều được sản xuất bằng thủ công.

Từ bộ cốt ngựa, cốt có nghĩa là khung hay xương một con ngựa, các nghệ nhân sẽ dán giấy và trang trí lên đó trong công đoạn hoàn thiện. Sau khi dán lên bộ cốt ngựa phần giấy nền đầu tiên, mỗi người thợ sẽ đảm nhận một công đoạn khác nhau để hoàn thiện được sản phẩm. Người cắt giấy, dán hoa văn trang trí thân ngựa; người cắt và dán bờm ngựa; người tỉ mẩn với bộ ướm ngựa hay trang phục của hình nhân trang trí… Tất cả sự khéo léo và phối hợp ấy sẽ tạo nên một sản phẩm ngựa giấy dát vàng đẹp mắt và công phu.

Bộ cốt ngựa được dán một lớp giấy nền đầu tiên.

Được biết, việc sản xuất mặt hàng này ở xã Xuân Hồng diễn ra quanh năm nhưng để đảm bảo đủ sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân trong việc cúng bái dịp lễ Tết Ất Mùi 2015, các hộ dân nơi đây đã bắt tay sản xuất từ tháng 10 Âm lịch. Với những người thợ lâu năm, mỗi ngày 3 người sẽ cho sản phẩm là 12 con ngựa.

Sản phẩm "ngưa vàng" sau khi được hoàn thiện các công đoạn.

Hiện nay, các sản phẩm "ngựa vàng" làm ra tại xóm 1, xã Xuân Hồng đã được phân phối đi đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và có mở rộng sang địa bàn TP Vinh (Nghệ An) cho những khách buôn. Do đó, những người thợ phải làm việc luôn tay, không có thời gian nghỉ ngơi. Ngày Tết tính ra cũng chỉ nghỉ được nghỉ vài ngày.

Chị Nguyễn Thị Thương, một hộ sản xuất ở xóm 1 cho biết: “Nghề này vốn không có Tết, làm cật lực đến 26 Tết thì cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu trong Tết. Để kịp có hàng cho khách có nhu cầu, mùng 1 Tết chúng tôi lại phải bắt tay làm tiếp rồi".

Việc thờ cúng, hóa vàng mã những dịp lễ tết đã trở thành một nét văn hóa tâm linh của đại đa số người dân. Chính nhu cầu này cũng đã góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho nhiều hộ dân, cũng như tạo nên một nét đẹp truyền thống của địa phương này.

Tết đang đến gần, việc ý thức về sử dụng vàng mã cũng là một điều mà nhiều người dân nên lưu tâm để tránh những biến tướng không đáng có so với ý nghĩa tốt đẹp trong việc thờ cúng ban đầu.

Tin nổi bật