Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làng “đèn ông sao” tất bật cho Tết Trung thu

(DS&PL) -

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay truyền thống làm đèn Trung thu tại làng nghề Báo Đáp vẫn mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Định) xưa nay vốn nổi tiếng cả nước là làng chuyên sản xuất hoa bằng vải và đặc biệt là truyền thống làm đèn Trung thu.

Hiện, làng nghề Báo Đáp có 10 xóm và có khoảng 500 hộ hành nghề làm đèn Trung thu và làm hoa bằng vải. Đến hẹn lại lên, mỗi dịp trung thu về, làng nghề lại sản xuất từ 2 – 3 triệu chiếc đèn ông sao xuất đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Là một trong những hộ dân làm đèn Trung thu lâu năm tại làng nghề Báo Đáp, anh Nguyễn Văn Xã (SN 1963) chia sẻ: “Chẳng biết nghề này có tự bao giờ, từ khi tôi lớn lên đã thấy có nghề này rồi. Kế nghiệp cha ông, đến nay nhà tôi cũng ngót hơn 30 năm làm nghề. Ở đây thì hầu hết nhà nào cũng làm nghề này. Nhà làm ít cũng từ 5 – 7.000 chiếc/một vụ, nhiều thì vài vạn. Năm nay nhà tôi đã xuất đi gần 7 vạn chiếc đèn.”

Mặc dù năm nay đã 80 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Nghiệp vẫn thường xuyên cùng các con tham gia làm đèn ông sao. Ảnh: T.T.

Theo lời anh Xã thì công việc làm đèn không mấy vất vả nhưng cần rất nhiều công đoạn và thời gian. Vào tháng giêng các hộ làm đèn ông sao tại đây đều phải đi Thanh Hóa để mua nứa. Sau khi nứa được cắt khúc đưa về thì công đoạn tiếp theo là ngâm nứa.

Vốn dĩ việc ngâm nứa sẽ giúp cho nứa dẻo dai, không mục rỗng... nên tất cả các chóng nứa phải được ngâm khoảng từ 2 – 3 tháng rồi mới được vớt lên để phơi, trẻ thành nan nhỏ.

Đồng thời việc làm cán đèn cũng cần được để ý rất nhiều, người dân phải tìm đặt mua thân cây đay ở các xã  hoặc các huyện lân cận để mua về cắt ra cất sẵn trong nhà, vì thế việc theo dõi mùa vụ để mua thân cây đay cũng rất quan trọng.

 Mỗi chiếc đèn ông sao như này có giá từ 3 – 4 nghìn đồng/chiếc. Ảnh: T.T

Công cụ và nguyên liệu làm đèn ông sao cũng rất đơn giản. Công cụ chủ yếu để làm đèn là dao, kéo, cưa, bàn in, hồ dán và dây thép buộc, thân cây đay làm cán. .. Ngoài ra thì việc chọn, đặt giấy bóng cũng rất quan trọng. Giấy bóng sau khi được đặt về thì hầu hết các người thợ tại làng nghề đều phải cắt gọt thủ công, sắp xếp chọn lựa kỹ càng rồi đem in ấn các mẫu hình lên giấy bóng.

“Bàn in được làm bằng gỗ, do chính tay người dân đục đẽo, khắc tạc theo ý muốn. Năm nay nếu kịp thời gian thì tôi đã sáng tạo một bộ bàn in mới với các mẫu hình theo chủ đề hướng về biển đảo. Nhưng do thời gian gấp quá nên không kịp. Sang năm tôi quyết sẽ thực hiện chủ đề này lên đèn ông sao”, anh Xã tâm sự.

Sau mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất, lúc này là lúc các bàn tay “nghệ sĩ” bắt đầu công việc tạo khung, dán giấy và trang trí để hoàn thiện một chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh. Hồ được dùng để dán giấy bóng làm đèn trung thu được làm từ bột gạo nếp. Sau khi nghiền nếp thành bột người dân đem ra đồ với lượng ít vôi bột rồi phết lên một tấm gỗ nhẵn tròn. Dùng tấm giấy lướt qua tấm gỗ tròn đó là có thể dán với khung đèn một cách chắc chắn.

Chiếc đèn lồng được anh Xã hoàn thiện chỉ chưa đầy 5 phút. Ảnh: T.T

Việc làm đèn mất rất nhiều thời gian và công sức, thế nhưng đổi lại lượng thu nhập từ việc làm đèn Trung thu cũng chẳng được là bao. Mỗi chiếc đèn lồng sau khi làm xong có giá bán 3.000đ/loại nhỏ và 4.000đ/loại to.

Cụ Nguyễn Thị Nghiệp (80 tuổi) “nghệ nhân” hơn 50 năm làm đèn chia sẻ: “Từ xa xưa, cứ đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, người dân cả nước đều tổ chức lễ tết Trung thu cho trẻ em. Trong ngày này trẻ em sẽ được tặng rất nhiều quà, bánh kẹo, mặt nạ, đặc biệt là đèn ông sao, đèn cá chép. Nghề làm đèn này xa xưa cũng chỉ để tự phục vụ mỗi gia đình, nhưng dần qua từng thế hệ đèn Trung thu được sử dụng nhiều nên làng bắt đầu làm đèn bán. Cho đến nay hầu hết các hộ dân trong làng thì nhà nào cũng làm đèn ông sao bán dịp Trung thu này.”

Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, anh Xã tâm sự: “Ngoài làm hoàn thiện các sản phẩm, việc bán hàng ở đây cũng thất thường. Chủ yếu dựa vào các trường học đặt hàng tổ chức cho học sinh thì mới bán chạy hàng, còn lại là các chủ hàng nhập về với số ít đem bán tại cửa hàng. Không chỉ thế, nghề làm đèn Trung thu này còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là mưa bão. Năm nào sắp cận kề Trung thu nhưng có bão về là coi như mọi công sức làm đèn từ đầu năm đều trở thành đống phế liệu”.

Công việc làm đèn lồng không vất vả lắm nên hầu hết các em nhỏ ngoài giờ học đều có thể giúp bố mẹ làm đèn. Ảnh: T.T

Những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu. Ảnh: T.T

Do mọi công đoạn làm đèn đều thủ công, nhẹ nhàng và dễ làm nên hầu hết mọi lứa tuổi đều có thể tham gia làm đèn trung thu. "Tháng 7 là tháng cả làng tấp nập làm đèn nhất, vì khi này các cháu học sinh được nghỉ hè nên đây chính là lượng nhân công chính. Việc làm đèn không chỉ đem lại kinh tế, niềm vui mà còn góp công lớn trong việc giáo dục các cháu nhỏ tại làng, cứ hè về các cháu tập trung phụ giúp bố mẹ làm việc, không chơi bời lêu lổng nên ở làng Báo Đáp này rất ít các tệ nạn xã hội", anh Xã cho biết thêm.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, khắp các tỉnh thành trên cả nước ngập tràn sắc hoa. Những ngày này, hình ảnh chiếc đèn ông sao được bày bán rất nhiều trên các cửa hàng. Mỗi khi nhìn thấy đèn ông sao, mọi người đều nhớ về làng nghề Báo Đáp, nơi các “nghệ nhân chân đất” thổi hồn vào những chiếc đèn ông sao.

Tin nổi bật