(ĐSPL) - Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có đến 47\% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu.
Thêm giờ làm, nhưng không lương
Theo tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, trong một khảo sát mới nhất của JobStreet Việt Nam có hơn 47\% người lao động trong tổng số gần 5.500 người tham gia khảo sát không được trả lương làm ngoài giờ.
Cụ thể, vào tháng 7/2016 một khảo sát gần 5.500 người lao động về thời gian làm việc hàng ngày, sự can thiệp của công việc vào đời sống cá nhân, khối lượng công việc cũng như những chính sách mà người lao động đang nhận được để đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có đến 47\% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu.
Chỉ 30\% người lao động cho biết công ty luôn trả lương khi yêu cầu làm thêm ngoài giờ, 22\% cho biết chỉ được trả lương ngoài giờ khi sếp có yêu cầu hoàn thành công việc.
Hiện nay, có gần 50\% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập nhưng trong đó, có đến 65\% nhận mức chi trả ngoài giờ dưới 1 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy việc làm thêm giờ thật sự chưa giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động.
Trong số những người tham gia khảo sát, khi nói về việc làm thêm giờ, chỉ 20\% người lao động cho biết họ tự nguyện để nâng cao trình độ, còn lại là do quá tải (32,7\%), để kiếm thêm thu nhập (26\%) hoặc theo yêu cầu của sếp (20,5\%).
Ngoài ra, 57\% người lao động cho biết họ không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Con số này chỉ khoảng 51\% ở cấp độ quản lý.
Có đến 47\% người lao động không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu. (Ảnh minh họa). |
Việc không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống được phản ánh qua thời gian người lao động dành cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Cụ thể, có đến 33\% người lao động cho biết họ chỉ có thời gian dành cho gia đình, bạn bè và bản thân vào thời điểm cuối tuần, 29\% dành dưới 3 giờ mỗi ngày cho các hoạt động, sở thích cá nhân và có đến 11\% bị công việc chiếm hoàn toàn thời gian trong ngày.
Ngoài ra, có đến 43\% người lao động cho biết họ vẫn phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép. Điều này dẫn đến việc có trên 60\% người lao động cảm thấy áp lực nặng nề khi phải làm việc ngoài giờ.
Thu nhập “không đủ sống”
Thông tin trên báo Người lao động, báo cáo kết quả khảo sát về “Tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của NLĐ trong năm 2016”, ông Đặng Quang Hợp, Viện Công nhân - Công đoàn, cho biết tiền lương cơ bản trung bình hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được là 4.133.000 đồng. Trong đó vùng I: 4.672.000 đồng và vùng IV là 3.466.000 đồng. NLĐ thuộc lĩnh vực cơ khí, cơ khí chế tạo có mức lương cơ bản trung bình cao nhất (gần 6,46 triệu đồng), trung bình thấp nhất là ngành giày da đạt gần 3,9 triệu đồng.
Nhìn chung, mức lương cơ bản của NLĐ còn thấp, tỉ lệ lương cận kề với mức LTT vùng tương đối lớn. Với mức tăng 12,4\% vào năm 2016 so với năm 2015 là chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ. Nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể tích lũy. So với kết quả khảo sát năm 2015 thì đời sống NLĐ được cải thiện hơn, tỉ lệ tích lũy đã cao hơn nhưng hầu hết là do làm thêm giờ, tiết kiệm từ bữa ăn ca… Ông Hợp đề nghị Chính phủ cần có lộ trình và chỉ đạo thực hiện điều chỉnh mức LTT vùng đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ chậm nhất vào năm 2018.
62,3\% người lao động muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập Tin tức trên Thời báo Tài chính, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động tiền lương, thu nhập, chi tiêu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2016. Khảo sát tại 59 doanh nghiệp với 69.429 lao động thuộc 4 vùng lương cho thấy, khi so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình người lao động, kết quả có 14,2\% người lao động trả lời không đủ sống, 37,8\% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ, 33,8\% vừa đủ trang trải và chỉ có 14,2\% có dư dật và tích lũy. So với kết quả khảo sát năm 2015 đời sống của người lao động được cải thiện hơn, số người trả lời không đủ sống giảm 5,7\% và tỷ lệ có tích lũy đã tăng lên 6,2\%, tỷ lệ đủ sống và phải chi tiêu tằn tiện ít được cải thiện. Thực tế, nhu cầu tích lũy đề phòng thất nghiệp, rủi ro, ốm đau ở khu đô thị, khu công nghiệp tập trung trong điều kiện xa nhà, xa quê cũng là lí do được người lao động rất quan tâm. Tuy nhiên, số tiền tích lũy của họ không nhiều, phổ biến mức 0,5 – 1 triệu đồng/tháng. Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn nên họ luôn mong muốn làm thêm giờ. Kết quả khảo sát, có tới 62,3\% người lao động cho biết muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định, chưa điều chỉnh kịp thời và không công khai, minh bạch, giảm chi phí thưởng, phụ cấp…Có 5\% số người lao động cho biết họ bị cắt giảm một số trợ cấp khi doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu. Trong số 133 cuộc đình công ngừng việc tập thể 5 tháng đầu năm 2016 thì 73,6\% số cuộc xảy ra tại các doanh nghiệp FDI, khoảng 80\% số cuộc đình công có nguyên nhân liên quan đến tiền lương và lương tối thiểu. Theo ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Chính sách Kinh tế - xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng ứng được 85\% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động còn tiền lương tối thiểu và tiền lương trung bình cũng không chênh lệch nhiều. “Tuy rằng cho đến thời điểm này mức tăng vẫn chưa đạt được mức xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng đây là quá trình phấn đấu của chúng ta làm sao để quá trình này đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống cho người lao động”, ông Tư cho biết. |
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin