Lên kế hoạch tổ chức đám cưới là vấn đề của không ít cặp đôi. Đối với nhiều gia đình, lễ thành hôn không chỉ là dấu mốc gắn kết của hai người mà còn là cơ hội để thể hiện địa vị xã hội.
Ở một số nền văn hóa như ở Hàn Quốc, đám cưới có nhiều khách đến dự là điều mà hầu hết các cặp vợ chồng và gia đình mong mỏi. Vì vậy, đã có những công ty cung ứng dịch vụ cho thuê những người "bạn giả" để làm khách mời đi ăn cưới.
Những người đóng giả khách mời được yêu cầu ghi nhớ thông tin cá nhân của khách hàng (bao gồm tên, tuổi, nghề nghiệp và mối quan hệ trong gia đình). Khi đến đám cưới, họ sẽ nói chuyện với cô dâu/chú rể như những người bạn bình thường. Song nhóm người này thường tránh chụp ảnh để không phải "xuất hiện mãi mãi" trong các khoảnh khắc tiệc cưới.
Công việc ăn cưới thuê của người Hàn Quốc xuất hiện từ đầu những năm 2000.
Như những khách mời "thật", người làm công việc ăn cưới thuê cũng sẽ trao phong bì cho cô dâu/chú rể. Những phong bì này được thường gia đình trao trước đó. Sau buổi lễ, nhân viên ăn cưới thuê sẽ tìm chỗ kín đáo nhận tiền rồi chào tạm biệt.
Thực tế, công việc ăn cưới thuê đã trở thành "nghề" của người Hàn Quốc từ đầu những năm 2000. Có đến hàng trăm tổ chức lẫn group chuyên cung cấp dịch vụ ăn cưới thuê. Một số còn cho thuê cả... cha mẹ hoặc người thân nếu cô dâu/chú rể yêu cầu.
Công ty tổ chức đám cưới mang tên Hagaek Friends chia sẻ với Korea Times rằng: Lý do công việc ăn cưới thuê "hot" bởi cặp cô dâu/chú rể có quá ít bạn bè đến dự đám cưới. Khoảng 70% cô dâu tự ý thức rằng sẽ bị "lời ra tiếng vào" nếu bản thân không có nhiều bạn bè đến dự. Vậy nên họ phải thuê khách mời để thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình cũng như tiếng tăm của bản thân.
Thông thường, các cô dâu/chú rể dùng dịch vụ ăn cưới thuê là những người đi du học nước ngoài nên không có quá nhiều mối quan hệ bạn bè trong nước.
Dù khách mời chỉ xuất hiện một vài tiếng trong buổi lễ, song khách hàng cũng có xu hướng chọn những người có ngoại hình để xuất hiện trong đám cưới của mình.
Khách hàng sẽ được lựa chọn khách mời tham dự. Dù khách mời chỉ xuất hiện một vài tiếng trong buổi lễ, song khách hàng cũng có xu hướng chọn những người có ngoại hình để xuất hiện trong đám cưới của mình.
Trong một phóng sự trên đài National Public Radio của Mỹ, nữ phóng viên Elise Hu đã mời đến Kim Seyeon, người nhận làm thêm "nghề" khách mời đi ăn cưới. Cô Kim kể: "Khi vào mùa cưới hằng năm, tôi 'diễn' mỗi ngày được hai, ba 'suất' vào dịp cuối tuần". Vai diễn của cô là làm bạn của cô dâu hoặc chú rể, sau khi ký hợp đồng làm thêm với một công ty cung cấp dịch vụ này".
Cô Kim cho biết cô đã dự đến gần 70 tiệc cưới trong vòng một năm rưỡi nay với mức giá 20 USD/bữa tiệc (hơn 500.000 đồng). Có thể nói đây là một nguồn thu nhập đáng kể cho các nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20-30 nào muốn có việc làm thêm ngoài giờ hành chính.
Phần lớn những người trẻ làm công việc ăn cưới thuê thường là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng trong độ tuổi từ 20 - 30. Theo Korea Times, tiền công của công việc này rơi vào khoảng 20.000 - 50.000 won/đám cưới (khoảng 400.000 đồng cho đến 1 triệu đồng).
Theo trang Oh My News, một người làm công việc ăn cưới thuê (đã giấu tên) cho hay nghề này vất vả hay không phụ thuộc khách hàng là cô dâu hay chú rể.
"Nếu khách hàng là chú rể, bạn thường không cần phải làm gì. Anh ta chỉ yêu cầu bạn đóng giả người quen bình thường, thỉnh thoảng tiếp vài câu chuyện. Nhưng nếu khách hàng là cô dâu thì sẽ có nhiều điều kiện khắt khe hơn. Một số cô dâu còn yêu cầu bạn kiếm thêm người yêu để đóng giả thành cặp vợ chồng. Làm vậy trông sẽ chân thực hơn trong mắt các vị khách khác".
Người này cho biết thêm: "Đám cưới hiện đại không đơn giản là niềm hạnh phúc của cặp đôi. Đây còn là ngày để các cặp vợ chồng thể hiện quyền lực và tiếng tăm của bản thân. Do vậy công việc ăn cưới thuê ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống".
Công việc ăn cưới thuê vất vả hay không phụ thuộc khách hàng là cô dâu hay chú rể.