Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làm gì để chấm dứt án oan sai?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thời gian gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định trong tiến hành tố tụng khiến người dân bị oan sai. Điển hình như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hay vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng.

(ĐSPL) - Thời gian gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định trong tiến hành tố tụng khiến người dân bị oan sai. Điển hình như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) hay vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng...

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để chấm dứt tình trạng này những người được phân công phụ trách giải quyết vụ việc của ba cơ quan Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải quán triệt và thực hiện triệt để tính độc lập trong quá trình thực thi pháp luật, làm hết trách nhiệm trong phần việc của mình để pháp luật được thực thi một cách khách quan, trung thực nhất.

Một trong 7 thanh niên ở Sóc Trăng được minh oan trở về nhà cùng con và mẹ.

Khi nguyên tắc cơ bản bị bỏ qua...

Theo tài liệu PV tiếp cận được, tại vụ án oan của ông Chấn, trong quá trình điều tra vụ án, hai ông Trần Nhật Luật và Đặng Thế Vinh là cán bộ điều tra và kiểm sát viên của tỉnh Bắc Giang khi đó đã có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Vụ án được đưa ra xét xử, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên ông Chấn phạm tội giết người và phải chịu mức án tù chung thân. ông Chấn kêu oan. Tòa phúc thẩm TANDTC do ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ tọa phiên toà xét xử phúc thẩm tuyên y bản án sơ thẩm.

Với hành vi vi phạm của mình, ông Luật và ông Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, đây là một phần nguyên nhân dẫn tới việc các cấp xét xử không đủ tài liệu, chứng cứ để đánh giá đúng bản chất sự thật khách quan của vụ án. Đúng theo trần tình của cựu thẩm phán Chiêm, khi xét xử, do hồ sơ tài liệu bị làm sai lệch, lại không phát hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án nên hội đồng xét xử vẫn tuyên y án. Đó là hệ lụy của việc làm sai từ trước đó.

Đến đây, một vấn đề được đặt ra, nguyên tắc tố tụng hình sự là sự độc lập trong điều tra, kiểm sát và xét xử đã được thực thi chuẩn tắc hay chưa? Theo ý kiến của luật sư Giang Hồng Thanh, đoàn Luật sư Hà Nội, trong hoạt động tố tụng, ba cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động này là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Họ thực hiện theo chức năng được phân công rành mạch, rõ ràng để hoạt động tố tụng được tuân theo và chỉ tuân theo pháp luật, ba cơ quan này phải hoàn toàn độc lập với nhau. Đó là nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt. Không có sự độc lập sẽ dễ dẫn đến sự thiếu khách quan trong các quyết định của những cơ quan này.

Bàn về vấn đề này, luật sư Trịnh Cẩm Bình, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc độc lập làm việc của những người được phân công của ba cơ quan tiến hành tố tụng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành. "Nếu trong quá trình kiểm sát, kiểm sát viên thấy điều tra viên vi phạm thì cần phải thông báo với lãnh đạo cơ quan để có hướng xử lý kịp thời. Trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên toà thấy có những điểm chưa rõ, mâu thuẫn, có thể dùng quyền của mình để yêu cầu các cơ quan liên quan làm sáng tỏ. Luật trao cho họ những quyền như vậy...", luật sư Bình phân tích.

Còn nhiều cán bộ chưa làm hết trách nhiệm được giao

Một vụ án mới được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sở thẩm vừa qua cũng thu hút nhiều chuyên gia pháp lý quan tâm bàn tán. Đó là vụ án của anh Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) bị mẹ vợ là bà Bùi Thị M. (trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) "tố" lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 17/9/2014 TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên anh Trần Minh Anh không phạm tội.

Bị can Trần Minh Anh (bên trái) được thay đổi biện pháp ngăn chặn sau 47 tháng tạm giam.

Luật sư Trần Việt Hùng, thuộc đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Anh cho rằng, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra, ở đây là C46 (bộ Công an) và kiểm sát viên vụ 1A (VKSNDTC) đã vi phạm nghiêm trọng Điều 120 BLTTHS về thời gian tạm giam. Theo đó, ở vụ án này, bị can Anh bị khởi tố và bắt tạm giam từ ngày 22/4/2009 đến ngày 18/3/2013, tức là sau 47 tháng bị giam giữ, anh Anh mới được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Vấn đề mà luật sư Hùng băn khoăn trong vụ việc này là trách nhiệm của điều tra viên thuộc C46 bộ Công an và kiểm sát viên vụ 1A, VKSNDTC đến đâu? Họ có "nắm" được luật hay không, khi giam giữ một người quá thời gian luật định?

Một vụ án vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến bắt nhầm 7 thanh niên ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về chức năng kiểm sát của kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án. Quá trình điều tra, các thanh niên này nhận tội, đến khi sắp kết luận điều tra, hai cô gái tự thú, chính họ là hung thủ. Sau đó, 7 thanh niên được đình chỉ điều tra do không liên quan đến vụ án. Qua câu chuyện này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ việc này một phần do các điều tra viên "làm liều", một phần cũng do kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng chưa làm hết trách nhiệm kiểm sát nên sự việc mới xảy ra oan sai. "Trong trường hợp các điều tra viên sai, trách nhiệm đè nặng lên vai kiểm sát viên trong vai trò kiểm sát mà mình được giao. Làm được rõ trách nhiệm của từng cơ quan thì đã không có những câu chuyện đau lòng về oan sai vừa qua", luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều cán bộ ở ba cơ quan tố tụng bị khởi tố

Vụ án oan của ông Chấn đã có một điều tra viên, một kiểm sát viên của Bắc Giang bị cục Điều tra, VKSNDTC khởi tố về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán TANDTC cũng bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan đến vụ oan sai của 7 thanh niên ở Sóc Trăng, đơn vị này cũng đã khởi tố 2 điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng về hành vi dùng nhục hình. Một kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tránh trường hợp "quýt làm cam chịu"

Trong lời trần tình mới đây của mình, ông Phạm Tuấn Chiêm đã thốt lên rằng: "Họ giở thủ đoạn làm sai lệch hồ sơ khiến thẩm phán rơi vào tình thế bất khả kháng". Điều này cũng đặt ra vấn đề người được phân công phụ trách giải quyết vụ việc của ba cơ quan Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải làm hết trách nhiệm trong phần nhiệm vụ của mình và chịu trách nhiệm về kết quả đó, nhằm tránh những vụ việc oan sai; tránh trường hợp "quýt làm cam chịu".

Tin nổi bật