Kết quả thống kê cho thấy khoảng 40% dân số bị mất ngủ trong thời gian đại dịch bùng phát, trong khi tỷ lệ này trước đó là 24%. Thói quen ngủ của mọi người cũng thay đổi, liên quan tới giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý hoặc do chính COVID-19 gây ra.
Dân Trí dẫn lời ThS.BS Phạm Văn Dương – khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, rối loạn giấc ngủ là một rối loạn rất phổ biến và thường gặp ở bệnh nhân sau mắc COVID-19.
Cụ thể, bệnh nhân thường có biểu hiện khó đi vào giấc ngủ, ngủ ít, ngủ không sâu, thức dậy sớm. Người bệnh sau mắc COVID-19 gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động ban ngày vì suy giảm chất lượng giấc ngủ.
Nhiều người gặp tình trạng mất ngủ sau khi mắc COVID-19. Ảnh minh họa
Để cải thiện tình trạng mất ngủ hậu COVID-19, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau:
Thiết lập thói quen ngủ đúng giờ và đủ giấc
Tạo một thói quen ngủ hợp lý là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng mất ngủ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra, thời gian hợp lý để đi ngủ là từ 21-22h, cơ thể sẽ rơi vào giấc ngủ sâu khoảng 1 – 2 tiếng sau đó và bạn sẽ có một giấc ngủ chất lượng.
Bạn nên duy trì một lịch trình sinh hoạt nhất quán và khoa học, cố gắng ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm, giờ giấc đi ngủ và thức dậy giống nhau trong tất cả các ngày trong tuần.
Ăn các thực phẩm tốt cho giấc ngủ
Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị mất ngủ. Thịt đỏ chứa nhiều sắt, bổ sung thực phẩm này vào các bữa ăn hàng ngày là cách chữa mất ngủ không dùng thuốc mà không phải ai cũng biết.
Ngoài ra, một số thực phẩm như gừng, hạt sen… cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ do chúng có khả năng kích thích tuyến tụy tiết ra insulin giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ.
Nếu gặp phải tình trạng khó ngủ, bạn có thể uống một ly nước ấm pha với mật ong trước khi ngủ khoảng 30 phút. Bạn sẽ có giấc ngủ ngon hơn vì tryptophan trong mật ong giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng.
Một điều cần lưu ý là không ăn trước khi ngủ. Việc này sẽ kích hoạt hệ thống tiêu hóa, ảnh hưởng đến giấc ngủ do các cơ quan tiêu hóa vẫn phải hoạt động.
Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh
Ánh sáng xanh có vùng ánh sáng nhìn thấy trong phổ quang học có bước sóng từ 450nm đến 495nm bao gồm các ánh sáng từ điện thoại, tivi, máy tính và các thiết bị điện tử. Nghiên cứu khoa học cho thấy sóng ngắn của các ánh sáng xanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, có thể gây mỏi mắt, loạn mắt và rối loạn giấc ngủ.
Bạn lưu ý giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử và dành ít thời gian hơn cho tin tức và mạng xã hội trước khi đi ngủ. Tất cả các thiết bị điện tử nên được tắt ít nhất 30 phút trước khi bạn đi ngủ.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn là cách chữa mất ngủ không dùng thuốc hiệu quả nhất. Khi bạn tập thể dục, cơ thể được vận động, khí thuyết lưu thông, nhờ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Không dùng chất kích thích
Rượu, bia, cà phê và các chất kích thích khác dễ gây hưng phấn ở trung tâm thần kinh khiến cơ thể luôn tỉnh táo. Tốt nhất bạn nên tập thói quen sử dụng các thức uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe hoặc một cốc nước ấm để giúp cơ thể được thư giãn, đi vào giấc ngủ dễ dàng.
Hạn chế ngủ trưa quá lâu
Ngủ trưa quá lâu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ vào buổi tối. Bạn nên thiết lập giờ giấc ngủ đều đặn và rèn luyện bản thân để có thể điều trị chứng mất ngủ mà không cần dùng thuốc.
Ngoài ra, bạn cũng nên giữ môi trường ngủ mát mẻ, yên tĩnh và tối, có thể thư giãn bằng bồn tắm hoặc vòi hoa sen nước ấm, đọc sách hoặc thiền 30 phút trước khi đi ngủ. Đồng thời, bổ sung đủ nước, chất xơ, protein, tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương.
Người khỏi bệnh nên bắt đầu chế độ ăn hậu COVID-19 bằng việc chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Thành phần bữa ăn có đủ rau xanh, hoa quả tươi, protein và tinh bột, kết hợp với uống nước đầy đủ, có thể uống nước lọc kết hợp nước trái cây để có đủ vitamin.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Dương, những bệnh nhân có triệu chứng mất ngủ kéo dài và gây ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động chức năng hàng ngày có thể dẫn đến trạng thái như lo lắng quá mức, bồn chồn, bất an, buồn chán, chán nản, giảm quan tâm, thích thú các hoạt động hàng ngày. Nếu tình trạng này không thuyên giảm, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, tư vấn và điều trị sớm nhất.
Đinh Kim (T/h)