Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lại nở rộ lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” nhắm vào sinh viên

(DS&PL) -

Gần Tết, cần đẩy nhanh tiến độ công việc nên một số doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ.

Gần Tết, cần đẩy nhanh tiến độ công việc nên một số doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ. Sinh viên lại có nhu cầu làm thêm để kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Đây chính là cơ hội giúp các đối tượng lừa đảo thừa cơ trục lợi.

Sập bẫy quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng như cầu làm thêm của sinh viên, một số kẻ bất lương đã đăng tải mẩu tuyển dụng lừa đảo. Thậm chí một số đơn vị, cá nhân còn lập fanpage giả hệ thống rạp phim, siêu thị, cà phê đăng tuyển nhân viên thời vụ, bảo vệ theo ca... để "gài bẫy" các bạn trẻ.

Ngọc Anh (19 tuổi, sinh viên năm 2 ở TP.HCM) vừa "dính" cú lừa đầu tiên khi kiếm việc làm thêm. Tìm trên Facebook thấy mẩu rao tuyển bán hàng theo ca tại một siêu thị tiện lợi, mức lương 3,9 - 9 triệu đồng/tháng, không cần bằng cấp, cô liên lạc ngay với số điện thoại được cho và họ chỉ dẫn đến đường số 13 (phường Phong Phú, Bình Chánh) để phỏng vấn.

"Họ đưa đơn điền thông tin và yêu cầu đóng phí thế chân đồng phục, mở thẻ ATM với khoản tiền 500 nghìn đồng, sau đó hứa sẽ gọi đi làm trong 2 - 3 ngày tới. Nhưng chờ hơn một tuần vẫn không thấy gọi điện" - cô kể lại. Sau khi gọi vào số điện thoại của người tuyển dụng thì máy "ò...í...e". Ngọc Anh lên mạng tìm thêm thông tin mới phát hiện nhiều mẩu đăng tuyển tương tự đã hết hạn với rất nhiều số điện thoại liên lạc khác nhau. "Sau này tôi mới biết trên các fanpage chính thức của siêu thị đã đăng thông tin cảnh báo lừa đảo tìm việc làm siêu thị có thu phí", Ngọc Anh chia sẻ.

Hoàng Oanh - nữ sinh năm cuối trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - đã đọc được thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao, không yêu cầu kinh nghiệm” trên mạng xã hội nên đã hào hứng ứng tuyển, nhưng khi tới nơi thì nhận ra mình đã gặp phải tổ chức lừa đảo. "Em xin việc qua Facebook đó thì họ đưa địa chỉ cho em. Khi em tới thì vô tình có một bạn sinh viên cũng đi xuống và nói: “Đừng có lên, đừng có đóng tiền gì hết nha, tui bị lừa đó”. Lúc đó có một ông bặm trợn ra quát: “Mày có biến đi không, mày muốn nói gì?” và đuổi bạn đó về. Lúc đó em cũng thấy hơi sợ rồi nhưng em vẫn ngồi nghe người ta nói về công việc với em và em cũng nói em sẽ đi làm. Nhưng khi em về nhà thì em mới nói là em không làm công việc đó nữa", Hoàng Oanh kể lại.

Lại nở rộ lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” nhắm vào sinh viên - Ảnh minh họa

Trong khi đó, không lừa đóng phí nhưng rất nhiều mẩu tuyển dụng thực tập sinh ngành kế toán, nhân viên nhập liệu, cộng tác viên bán hàng... trôi nổi trên mạng nhằm đưa sinh viên, người trẻ đến các công ty bán hàng đa cấp, sau đó tìm cách thuyết phục họ chuyển qua kinh doanh bán hàng với số tiền ban đầu từ 8 - 10 triệu đồng.

Từ thông tin tuyển cộng tác viên bán hàng, T.N.Tr. - sinh viên năm cuối đại học Tài chính-Marketing (TP.HCM), đã tìm đến một văn phòng ở Tân Bình để phỏng vấn. "Đây là công ty bán mỹ phẩm, nước hoa. Họ đưa tôi đi thăm showroom rất hoành tráng, đồng thời còn liên tục giới thiệu rằng khách hàng là những nghệ sĩ nổi tiếng; sáng lập công ty là một nhà báo nổi tiếng, cho tôi xem fanpage để tạo lòng tin”, Tr. nhớ lại.

Tuy nhiên khi được thuyết phục đóng 8 triệu đồng để mua hàng thì Tr. bắt đầu nhận ra đây là công ty đa cấp. "Họ cũng giới thiệu tôi đến tham dự buổi nói chuyện về bí quyết thành công. Tôi tìm thử thông tin trên mạng về công ty thì biết không có bất kỳ cái tên nào như vậy cả. Nhưng vì đã nhiều lần đọc được thông tin về lừa đảo đa cấp và nhận những cảnh báo liên quan nên tôi một mực từ chối và đi về", Tr. kể.

Nhiều bạn trẻ còn bị tiếp cận bởi các tin nhắn trên Facebook vờ đang làm khảo sát liên quan đến sinh viên. Sau khi SV hoàn thành khảo sát thì các đối tượng ngỏ ý muốn mời cộng tác làm thêm có lương, sau đó mời đến hội thảo, tham quan mô hình thành công... và rồi mục đích cuối cùng là đưa các bạn trẻ đến bẫy đa cấp biến tướng.

Cảnh giác nhận diện các chiêu thức lừa đảo

Ông Nguyễn Văn Sang - Phó Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Yes Center) - cho biết, hiện nay các bạn trẻ có xu hướng tìm việc thông qua tìm kiếm trên Internet. Tuy nhiên mức độ rủi ro từ những mẩu tuyển dụng trôi nổi trên mạng rất cao do nhiều trang cộng đồng không có người kiểm soát. Người trẻ cần trang bị thông tin về các chiêu thức lừa đảo thông qua tin tức trên báo chí với các dấu hiệu nhận biết, khi nghi ngờ thì kiểm chứng thông tin kỹ càng.

Đồng thời có thể tìm đến các kênh tìm việc chính thống, các "siêu thị việc làm" online tại trung tâm dịch vụ việc làm công lập của TP.HCM như trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên của Thành Đoàn TP.HCM, trung tâm Dịch vụ việc làm của sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM...

Trung úy Tăng Trần Minh Châu - cán bộ phòng Cảnh sát kinh tế TP.HCM - cho biết, hiện nay thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, thường núp bóng hoạt động đào tạo kỹ năng. "Kinh doanh đa cấp biến tướng thường đăng những thông tin tuyển dụng trên mạng là công việc có mức lương hấp dẫn, có thời gian linh hoạt phù hợp với sinh viên. Bên cạnh đó thì các đối tượng cũng mời các bạn tham gia các hội thảo, buổi tập huấn với nội dung được đánh đồng với khởi nghiệp, phát triển kỹ năng kinh doanh,...", Trung úy Châu cho biết.

Ngoài các mô hình đa cấp biến tướng thì còn có các thủ đoạn lừa đảo khác nhắm đến sinh viên đi xin việc dưới hình thức tuyển dụng đi xuất khẩu lao động và đặc biệt là cho vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ". Trung úy Châu Đức Nhân - cán bộ đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận 1 - cho biết, trong năm 2020, đơn vị này đã triệt phá một tổ chức tín dụng đen, trong đó đã lôi kéo được gần 100 sinh viên tham gia. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn trẻ, tổ chức này đã tạo được một vòng tròn sinh viên “dụ dỗ, lừa đảo” chính sinh viên.

"Các đối tượng này tập trung các bạn sinh viên vào làm việc với vai trò là nhân viên tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu vay tiền. Đa số các khách hàng mà họ tìm được cũng lại là sinh viên. Khi mà nạn nhân không còn khả năng chi trả được thì chúng gọi điện thoại khủng bố bạn và những người thân của bạn, rồi đăng thông tin trên các mạng xã hội mà bạn tham gia để đòi tiền", Trung úy Nhân cảnh báo.

Khi gặp phải lừa đảo, bị chiếm đoạt tài sản, bị đe dọa, khủng bố như vậy thì các cán bộ công an đưa ra khuyến nghị là các bạn sinh viên cần đến cơ quan công an gần nhất ngay tại địa bàn hoạt động của các tổ chức này để trình báo.

Để phòng tránh việc ứng tuyển nhầm vào các công ty đa cấp biến tướng, bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động (sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM) - khuyên sinh viên nên tìm kiếm thông tin tuyển dụng ở các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín: "Quan trọng nhất là chúng ta phải nhận biết được đơn vị nào đã được cấp giấy phép dịch vụ việc làm. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 2 trung tâm dịch vụ việc công lập là: Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM trực thuộc sở LĐ,TB&XH TP và Trung dịch vụ việc làm Thanh niên trực thuộc Thành đoàn TP.HCM. Ngoài ra, sở LĐ,TB&XH TP cũng cấp phép cho 121 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm".

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD, thuộc bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động theo quy định của pháp luật, danh sách cụ thể luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn.

Cục này khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Với các DN bán hàng đa cấp đã được cấp giấy chứng nhận thì mọi giao dịch cũng cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản để có cơ sở đòi quyền lợi. Ngoài ra, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo liên quan đến đa cấp, người dân cần kịp thời cung cấp thông tin đến cục CT&BVNTD tại địa chỉ 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; địa chỉ Email: vcca@moit.gov.vn; điện thoại: 024.2220.5002.

H.Yến

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (7)

Tin nổi bật