Cách đây 70 năm, nạn đói khủng khiếp 1944 – 1945 cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, gây đau thương, tang tóc cho dân tộc Việt Nam.
70 năm đã qua đi, nhưng những ký ức về nạn đói năm ấy vẫn không thể phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam.
Thu gom xác người dân bị chết đói trong nạn đói lịch sử 1944 - 1945 (Ảnh tư liệu của cố Nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh). |
70 năm qua, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, nạn đói khủng khiếp ấy xảy ra trong năm 1945, nên vẫn quen nói "nạn đói năm Ất Dậu 1945". Nhưng kỳ thực là nạn đói ấy bắt đầu từ khoảng tháng 3 năm 1944, tàn khốc nhất là thời điểm bắt đầu bước vào vụ mùa (tháng 7, 8) của năm ấy. Nạn đói ấy kéo dài sang nửa đầu năm 1945 và chỉ thực sự chấm dứt khi mà phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lên đến đỉnh cao và giành được thắng lợi vào tháng Tám năm 1945.
Nạn đói 1944 – 1945 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người Việt Nam
Trong cuốn sách "Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam – Tập II", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, phát hành năm 2008, trang 921, có ghi: "Do chính sách vơ vét của đế quốc phát xít Pháp - Nhật, các cuộc ném bom của Đồng minh ngăn chặn sự thông thương Bắc - Nam, do mất mùa, từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, nạn đói trầm trọng đã diễn ra ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Đây là nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc ta. Theo thống kê từ các địa phương bị nạn đói hoành hành, chỉ trong thời gian ngắn, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người, bằng một phần mười dân số Việt Nam lúc bấy giờ. Các tỉnh có số người chết nhiều là: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... có nơi chết cả làng".
Còn trong cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình", xuất bản năm 1986 có ghi: "Năm 1945, cả tỉnh có 280.000 người chết đói, chiếm 25\% tổng dân số. Nhiều địa phương chết tới trên 50\% dân số, như: xã Tây Lương: 67\%; Sơn Thọ, Thụy Anh (Thái Thụy): 79\%; xã Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người thì chết gần 2.000 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 171 gia đình chết không còn một ai…".
Hay trong cuốn sách "Lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh", xuất bản năm 1988, cũng có ghi: "Phủ Nghĩa Hưng, Nam Định mỗi ngày chết 400 người. Huyện Kim Sơn (Ninh Bình), cả vụ đói có 22.908 người chết. Trong 6.161 hộ của cả tỉnh Hà Nam Ninh thì có 1.571 hộ chết không còn người nào. Nam Định chết 212.218 người; Ninh Bình: 37.939 người, Hà Nam: 50.398 người…".
Những địa phương kể trên là những nơi có nhiều người dân bị chết trong nạn đói 1944 – 1945. Về sau này, theo điều tra, nghiên cứu của Viện Sử học Việt Nam, nạn đói giai đoạn 1944 – 1945 xảy ra trên địa bàn 32 tỉnh, thành cũ từ Quảng Trị trở ra. Dân số Việt Nam năm 1945 tại 32 tỉnh, thành là trên 13 triệu người, còn toàn cõi Việt Nam là khoảng trên 20 triệu người. Số người chết đói tại các địa phương là khoảng 2 triệu người, tương đương 10\% dân số.
Những nguyên nhân dẫn đến nạn đói 1944 – 1945
Qua các tài liệu, tư liệu, có thể tổng kết ba nguyên nhân chính đã gây nạn đói năm 1944 – 1945:
Nguyên nhân thứ nhất và trực tiếp là do những hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương. Các cường quốc chiếm đóng Việt Nam như: Thực dân Pháp, phát xít Nhật vì mục đích phục vụ chiến tranh đã lạm dụng và khai thác quá mức vào nông nghiệp vốn đã lạc hậu, đói kém của các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt kinh tế của người Việt Nam.
Những biện pháp quân sự hóa kinh tế nhằm phục vụ nhu cầu chiến tranh của chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam (do tại nước Pháp khi đó cũng đang có chiến tranh và đang bị phát xít Đức xâm chiếm); sau đó, phát xít Nhật Bản dùng vũ lực hất cẳng Pháp, chiếm đóng Việt Nam, lại tiếp tục thực hiện các biện pháp khác khốc liệt hơn nhằm mục đích khai thác phục vụ chiến tranh (như: Bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, buộc người dân bán lúa gạo với giá rẻ mạt để chuyển về Nhật...).
Trong khi lúc này (trước Cách mạng tháng Tám), lực lượng cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam còn non trẻ, chưa giành được chính quyền, chưa tự chủ được về kinh tế, chưa giải phóng được nhiều ruộng đất và người dân khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến, phát xít nên chưa đủ sức để hỗ trợ, cứu đói cho người dân… Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra như vậy đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực của miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo lại càng trở nên thiếu hơn.
Nguyên nhân thứ hai là do các thế lực phong kiến, thực dân áp dụng chính sách sưu thuế nặng từ nhiều năm trước đó đối với người nông dân Việt Nam. Cách thức thu thuế sử dụng mạnh biện pháp tra tấn, đánh đập, bắt buộc người nông dân phải nộp đủ, không miễn giảm đối với các hộ đói nghèo, khiến cho nông dân phải bán tài sản hoặc lương thực để nộp thuế nên không có lương thực dự trữ.
Nguyên nhân thứ ba là do tự nhiên, thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực tại miền Bắc. Vào tháng Tám năm 1945, một trận lũ khủng khiếp đã gây vỡ đê tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh miền Bắc với tổng diện tích 312.000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người… Sau cơn lũ, bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp, cộng với không có thuốc men, lương thực, nên góp phần làm cho nạn đói càng thêm trầm trọng.
Để minh hoạ cho những tổng kết trên đây, xin được trích dẫn một nguyên cứu của Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam: Ngoài các chính sách tô cao thuế nặng, phát xít Nhật còn đưa ra một "chương trình kinh tế chỉ huy" nhằm thực hiện một cách triệt để chủ trương phát xít của mình. Chiến tranh giữa phát xít Nhật và quân Đồng minh (trong đó có thực dân Pháp) làm cho nhu cầu nhiên liệu: than, dầu, điện của Nhật tăng cao. Chúng đã lấy ngô, vừng, lạc và cả lúa gạo để thay thế những nhiên liệu này phục vụ mưu đồ phát xít, đẩy người dân vào thảm họa chết đói…
Những nỗ lực cứu đói của lực lượng cách mạng Việt Nam
Đứng trước vận mệnh của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trao đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền, vừa phát động phong trào "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói".
Trong cuốn sách "Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam – Tập II", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, phát hành năm 2008, từ trang 921 đến trang 925, có ghi lại rất rõ về Phong trào này: "Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, từ nhu cầu hoạt động của cán bộ, đảng viên, từ sự thành bại của phong trào cách mạng, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 3 năm 1945 đề ra khẩu hiệu: "Phá kho thóc giải quyết nạn đói". Khẩu hiệu này được đưa ra đồng thời với khởi nghĩa từng phần, và Đảng coi đây là trọng tâm công tác, là khâu chính để biến lòng căm thù của nhân dân thành hành động cứu nước.
Đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân, giải quyết từng mâu thuẫn đang diễn ra gay gắt trong xã hội nước ta, chủ trương của Đảng đã lôi cuốn hàng triệu quần chúng vào phong trào phá kho thóc, chống đói với nhiều hình thức từ thấp đến cao, phong phú và sáng tạo.
Ở các tỉnh miền núi: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, các lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân kết hợp đánh đồn, phá chính quyền địch với phá kho thóc, kho muối chia cho nhân dân hoặc tích trữ cho bộ đội, du kích. Tại những tỉnh này, lực lượng vũ trang cùng nhân dân tiến hành phá cho thóc, uy hiếp địch để giành chính quyền hoặc đánh chiếm xong huyện lỵ rồi mới tổ chức nhân dân đi phá kho thóc của địch, cứu đói.
Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, hàng ngàn quần chúng đi phá kho thóc của Nhật và bọn tích trữ thóc gạo cho Nhật ở Hiệp Hoà, Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành, thu hàng nghìn tấn thóc chia cho nhân dân.
Ở Vĩnh Yên, Phúc Yên trong tháng 3 và tháng 4, lực lượng du kích và tự vệ làm nòng cốt cho quần chúng phá hàng chục kho thóc, có kho chứa tới hàng nghìn tấn thóc. Tại Phú Thọ, trong một thời gian ngắn có tới 14 kho thóc bị phá để chia cho dân nghèo.
Tại Ninh Bình, chỉ trong ngày 15/3/1945, hàng nghìn quần chúng thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn phá 12 kho thóc, thu hàng trăm tấn thóc chia cho nông dân. Những cuộc phá kho thóc ở Ninh Bình trở thành những cuộc chống Nhật khủng bố, càn quét, bảo vệ cán bộ và cơ sở. Tại Thái Bình, trong hai tháng 3 và 4, nhiều làng ở các huyện Phụ Dực, Thư Trì, Tiền Hải, Vũ Thư, Tiên Hưng thu được 1000 tấn thóc chia cho dân.
Ở Hải Dương, trong thời gian này, nhân dân đã phá 39 kho thóc, lấy 43 thuyền gạo với 2000 tấn. Riêng nhân dân các huyện phía nam tỉnh phá 26 kho, thu 28 thuyền gạo với 1238 tấn gạo.
Tự vệ và nhân dân Hưng Yên vừa phá các kho thóc, vừa thuyết phục các chánh tổng không thu thóc cho Nhật và chính quyền bù nhìn.
Nhân dân Hà Đông, Sơn Tây tịch thu thóc gạo của địch trên đường số 6, phá các kho thóc ở các huyện Ứng Hoà, Cần Kiểm, Tích Gian, Thạch Xá. Tại Quảng Yên, Hòn Gai nhân dân sử dụng nhiều hình thức dây dưa kéo dài hạn nộp thóc, tiến tới phá các kho thóc, gạo của Nhật và của bọn chủ mỏ.
Công nhân và dân nghèo thành thị ở Hà Nội tiến hành phá kho thóc gạo của Nhật ở các phố Bắc Ninh, Lê Lợi, Phà Đen… thu hàng trăm tấn thóc.
Các tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng diễn ca nhiều cuộc phá kho thóc cứu đói. Nhân dân Thanh Hoá có kinh nghiệm: nhân lúc Đồng minh ném bom, quân Nhật sợ hãi chạy trốn, xông vào các kho thóc Nhật để xúc thóc.
Cùng với khởi nghĩa từng phần, phong trào phá kho thóc của Nhật để cứu đói có ý nghĩa kinh tế, chính trị rất sâu sắc và to lớn. Phong trào đã nhanh chóng giải quyết được nạn đói ở nhiều tỉnh, uy tín của Việt Minh lên rất cao. Phong trào thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong nhân dân, tập dượt quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến những hình thức đấu tranh cao, kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị, vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa".
Cách mạng tháng Tám thành công đã không chỉ giành được chính quyền về tay nhân dân, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà còn chấm dứt được nạn đói 1944 – 1945. Ngay trong những ngày đầu thành lập nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ là phải tiêu diệt "giặc đói". Nhiệm vụ tiêu diệt "giặc đói" lúc này được đặt ngang hàng với hai nhiệm vụ tiêu diệt "giặc dốt" và "giặc ngoại xâm".
70 năm đã qua đi, nhưng các thế hệ người Việt Nam vẫn không thể nào quên những ký ức đau thương về nạn đói khủng khiếp năm 1944 – 1945. Đó cũng là bài học nhắc nhở chúng ta phải luôn có ý thức tự lực, tự cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, cảnh giác và sẵn sàng chống lại các thế lực ngoại xâm; đồng thời, phải chủ động phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng với các nước khu vực và thế giới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh".