Anh kỹ sư xây dựng Vũ Văn Cử (37 tuổi, trú xã Xuân Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An) từng có một cuộc sống nhiều người mơ ước với mức lương 25 triệu đồng mỗi tháng.
Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, anh lại quyết định từ bỏ tất cả để về quê hương Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, "tất tay" với nghề nuôi chồn hương. Giờ đây, anh là chủ nhân của một trong những trang trại chồn hương sinh sản lớn nhất tỉnh, với quy mô lên đến hơn 500 con.
Kỹ sư xây dựng chốn phố về quê nuôi loài "lười nhất quả đất", lãi hơn 1 tỷ mỗi năm
Chia sẻ trên báo Tiền phong, anh Cử cho biết, hành trình đến với nghề nuôi chồn hương của anh bắt đầu từ những ngày tháng anh làm việc tại miền Nam. Tiếp xúc với nhiều trang trại chồn hương, anh nhận thấy đây là mô hình dễ làm, dễ chăm sóc, lại phù hợp với điều kiện khí hậu quê nhà. Ý tưởng khởi nghiệp với loài vật này dần nhen nhóm trong anh.
Năm 2019, sau một thời gian dài học hỏi kinh nghiệm, anh Cử quyết định "đập tan" sự an toàn của công việc kỹ sư để về quê lập nghiệp, bất chấp sự can ngăn của gia đình và người thân.
Hơn 300 triệu đồng là số vốn ban đầu anh Cử đầu tư vào xây dựng chuồng trại và mua 5 cặp chồn hương sinh sản để "thử lửa".
Khởi đầu gian nan, chưa có thu nhập từ chồn hương, anh Cử phải tranh thủ làm thêm nghề xây dựng ở quê để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống và duy trì mô hình. Nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, cùng những kiến thức tích lũy được, anh Cử đã dần nhân rộng quy mô trang trại.
Những con chồn được anh Cử nuôi khép kín và sinh sản rất nhiều. Ảnh: Tiền phong
Đến nay, anh đã sở hữu 2 khu chuồng trại ở Xuân Lam (Hưng Nguyên) và Nghi Kiều (Nghi Lộc) với 500 con chồn hương sinh sản và 200 con thương phẩm, hứa hẹn một tương lai tươi sáng với nghề nuôi chồn hương.
Nuôi chồn hương không khó như nhiều người vẫn nghĩ. Theo kinh nghiệm của anh Cử, chồn là loài vật dễ nuôi, ít bệnh tật, lại có tập tính ngủ nhiều, ít vận động nên nhu cầu ăn uống không cao. Chồn con dưới 4 tháng tuổi chỉ cần ăn 2 bữa cháo mỗi ngày. Từ tháng thứ 5 trở đi, mỗi ngày chỉ cần một bát cháo và thêm chuối, mít để ăn dặm.
Để tiết kiệm chi phí, anh Cử thường sử dụng đầu gà hoặc cá rô phi để nấu cháo cho chồn. Nguồn thức ăn này vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giúp giảm chi phí chăn nuôi. Anh Cử nhẩm tính, mỗi con chồn trưởng thành chỉ "ngốn" khoảng 3.000 đồng tiền thức ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, do đường ruột của chồn khá yếu nên khâu chế biến thức ăn cần phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối.
Ngoài ra, chồn hương là loài khá nhạy cảm với thời tiết và môi trường sống. Vì vậy, bên cạnh việc vệ sinh chuồng trại và thức ăn, anh Cử luôn chú trọng đến công tác phòng bệnh cho chồn.
Chồn hương bắt đầu sinh sản khi được 8 tháng tuổi. Người nuôi cần chú ý quan sát để nắm bắt chính xác thời điểm chồn cái động dục để thả chồn đực vào. Giao phối đúng thời điểm sẽ giúp tăng tỷ lệ thụ thai và số lượng con non sinh ra.
Anh Vũ Văn Cử tại trang trại nuôi chồn. Ảnh: Tiền phong
Trung bình mỗi năm, chồn hương sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Trong giai đoạn mang thai và nuôi con, chồn mẹ cần được bổ sung thêm dinh dưỡng bằng trứng gà hoặc trứng vịt lộn. Lúc này, chồn mẹ cũng trở nên nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh để bảo vệ đàn con. Do đó, người nuôi cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng và tâm lý của chồn mẹ.
Chồn con sẽ được tách mẹ khi được khoảng 2 tháng tuổi. Sau 4 tháng, chồn con đạt trọng lượng 3kg là có thể xuất bán.
"Mỗi năm trang trại của tôi xuất bán khoảng 500 con chồn giống mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường," anh Cử cho biết trên báo Dân trí. Khách hàng tìm đến mua chồn giống không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, thậm chí có người ở tận Lạng Sơn, Lào Cai cũng tìm đến tận nơi.
Với giá bán trung bình 13 - 14 triệu đồng/cặp chồn giống, sau khi trừ chi phí, anh Cử thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.