Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỷ luật 20 trường tuyển quá chỉ tiêu: Học sinh gánh chịu hậu quả

(DS&PL) -

(ĐSPL) - “Không thể để đến tận khi gần đến khai giảng mới bắt các em chuyển trường, gây tâm lý không tốt cho các em”.

(ĐSPL) - “Không thể để đến tận khi gần đến khai giảng mới bắt các em chuyển trường, gây tâm lý không tốt cho các em”, phụ huynh có con nằm trong danh sách trường tuyển vượt chỉ tiêu bị Sở GD&ĐT yêu cầu trả hồ sơ học sinh để chuyển trường ngoài công lập chưa tuyển đủ bức xúc nói.

Quy định yêu cầu học sinh nằm trong số vượt chỉ tiêu phải rút hồ sơ chuyển trường của Sở GD&ĐT Hà Nội đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang. (Ảnh minh họa)

“Không thể để đến khi khai giảng mới bắt các em chuyển trường”

Theo quy định của Sở GD&ĐT vừa đưa ra, có 20 trườngTHPT (19 trường THPT ngoài công lập và 1 trường công lập) tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm học 2014 – 2015. Theo đó, những học sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển vào trường THPT được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt sẽ phải rút hồ sơ chuyển trường vào 68 trường THPT ngoài công lập còn thiếu chỉ tiêu.

Trước thông tin này, phản ánh trên báo Vnexpress, một phụ huynh có con nằm trong danh sách tuyển sinh quá chỉ tiêu của trường THPT Phan Huy Chú cho biết, gia đình rất bức xúc khi nhận được thông báo phải rút hồ sơ, chuyển sang trường khác học. "Quyết định này của Sở GD&ĐT không đúng cả về mặt pháp lý lẫn tình cảm. Việc tuyển sinh quá chỉ tiêu là nhà trường sai, Sở và trường phải giải quyết nội bộ. Hồ sơ của con tôi trúng tuyển theo đúng quy định. Các cháu cũng học được gần 3 tuần ở trường mới rồi, giờ sao có thể bảo con phải đi tìm một trường khác mà học được", vị phụ huynh phân tích. 

Đa số các phụ huynh đều có ý kiến cho rằng việc tuyển quá chỉ tiêu là do trường và do Sở đã không chỉ đạo gắt gao ngay lúc đầu. Không thể để đến tận khi gần đến khai giảng mới bắt các em chuyển trường, gây tâm lý không tốt cho các em. 

Bên cạnh đó, theo quy định một lớp trường công lập có thể có tới 50-60 học sinh. Hiện nay, nếu đáp ứng đủ chỉ tiêu học sinh từng lớp như vậy thì hoàn toàn phù hợp với những học sinh đã tuyển quá chỉ tiêu. Nếu các học sinh rút hồ sơ, mỗi lớp chỉ còn lại 30-35 học sinh thì sẽ gây thiếu học sinh. Việc để lại các hồ sơ tuyển quá không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng dạy và học của các trường.

Chia sẻ trên báo Thanh niên, một phụ huynh có con đã nhập học vào trường PTDL Lương Thế Vinh băn khoăn: “Danh sách mà sở GD-ĐT công bố thì không có tên con tôi, trong khi gia đình cứ thấy con đủ điều kiện trúng tuyển của trường thì nộp hồ sơ vào. Làm sao chúng tôi biết được mình có nằm trong chỉ tiêu hay ngoài chỉ tiêu mà Sở quy định cho các trường?”.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cho biết, trường đang rất lúng túng trong khâu xử lý. "Phụ huynh không muốn chuyển trường cho con em, chúng tôi cũng không biết phải chọn ai trong số các học sinh để trả hồ sơ cả", thầy Cương nói. 

Việc THPT Lương Thế Vinh tuyển sinh vượt chỉ tiêu, nhà giáo Văn Như Cương thay mặt trường xin lỗi các phụ huynh. Thầy cho biết, nhà trường nhận trách nhiệm và sẵn sàng chịu hình phạt của Sở GD&ĐT.

Thầy Cương bày tỏ mong muốn Sở có phương án giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý, hợp với lòng dân và đặc biệt cần đảm bảo quyền lợi cho học sinh. "Rất nhiều em đạt 53-54 điểm thi lớp 10 vẫn đăng ký vào trường tôi học và đã được nhận. Những em này, nếu buộc phải chuyển sang trường khác thì phải vào trường công lập, có điểm đầu vào tương xứng chứ tại sao lại vào trường ngoài công lập chỉ lấy 30 điểm đầu vào. Chúng ta phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh", thầy Cương nói. 

Tuy nhiên, đến ngày 6/8, Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT Hà Nội) Ngô Văn Chất vẫn khẳng định: Sở yêu cầu các trường tiếp tục trả hồ sơ những học sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển để nộp vào các trường THPT ngoài công lập còn thiếu chỉ tiêu, thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 10/8. Sau thời hạn trên, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở sẽ có phương án giải quyết cụ thể với tinh thần đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và đảm bảo sự công bằng trong công tác tuyển sinh giữa các trường THPT ngoài công lập.

'Chuyển trường đột ngột chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến các em'

Hiện nay, không chỉ phụ huynh có con nằm ngoài danh sách trúng tuyển của Sở bức xúc, lo lắng mà học sinh mới là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam chia sẻ, học sinh lứa tuổi 15 là tuổi mà sự khủng hoảng tâm lý ít nhiều vẫn còn. Nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu chứng minh mình đã lớn cũng còn mạnh mẽ và đặc biệt là các em vẫn thiếu sự cân bằng nhất định. Các em muốn mình cứng cỏi nhưng lại dễ lộ ra sự yếu đuối, mong manh...

Trải qua một quá trình của kì thi vượt cấp rồi lại nhận được quyết định chuyển trường đột ngột, sự thay đổi này chắc chắn có ảnh hưởng khá nhiều đến các em. Sự kỳ vọng hay sự ước vọng mà bị thất vọng sẽ dễ làm các em chán nản, thiếu tỉnh táo trong ứng xử. Điều này đặc biệt với những học sinh thiếu bản lĩnh thì dẫn đến sự mất hẳn hứng thú, thậm chí là mất động cơ học tập.

Việc các em gặp phải bước chuyển bắt buộc nhưng không có lý do, không có sự chuẩn bị tâm lý, không nhận được sự tương tác sẽ làm cho các em dễ hụt hẫng, căng thẳng hay thậm chí là thái độ bất cần, chống đối... Đó là chưa kể cuộc sống của các em dễ dàng bị đảo lộn dù thực tế không hẳn là thế. Đấy là điều mà mỗi người cần nhận ra để có cung cách ứng xử phù hợp.

"Sở GD&ĐT có quy định rõ ràng, nhà trường có cái lý của nhà trường, phụ huynh có cái tình trong đó, chưa cần biết bên đúng bên sai là đâu, nhưng với mỗi việc làm của người lớn, người chịu hậu quả phía sau là con trẻ. Vậy thì, người lớn trước khi làm gì hãy suy nghĩ trước và sau để tránh làm tổn thương những tâm hồn vẫn còn non dại, đừng để con trẻ chịu hậu quả thay cho người lớn", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra lời khuyên trên báo Giáo dục Việt Nam.

Giữa nhà trường và phụ huynh học sinh đến tận ngày hôm nay vẫn chưa đưa ra được ý kiến cuối cùng. Các phụ huynh đang gửi đơn kiến nghị lên Sở GD&ĐT Hà Nội để mong Sở thay đổi quyết định vẫn cho các học sinh theo học tại các trường, tránh gây tâm lý hoang mang bất ổn cho các em khi bước vào lớp 10. Bên cạnh đó, 20 trường tuyển sinh quá chỉ tiêu đã nhận hình thức kỷ luật với Sở và rút lại các chỉ tiêu tuyển sinh vào năm 2015 để vẫn giữ vững số học sinh.

Tin nổi bật