Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ lạ tục thờ chó đá của người bản Nùng

(DS&PL) -

Với quan niệm ma mãnh luôn sợ hãi tiếng chó sủa, người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn có tập tục thờ chó đá trước cửa nhà.

Với quan niệm ma mãnh luôn sợ hãi tiếng chó sủa, người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn có tập tục thờ chó đá trước cửa nhà.

Chó đá - linh vật trừ tà trong nhà

Để hiểu rõ hơn về tập tục kỳ lạ này, chúng tôi tìm đến thôn Kéo Cọ, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là những gia đình quây quần bên bếp than hồng ấm áp giữa ngày đông.

Năm nay đã 81 tuổi nhưng cụ Truyền vẫn rất linh hoạt và minh mẫn. Trước sự niềm nở của cụ Truyền, chúng tôi hỏi về điều thiêng liêng mà con chó đá mang đến cho người Nùng. Vừa đưa chén trà lên miệng cụ nói: “Tục thờ chó đá của người dân tộc Nùng chúng tôi được truyền từ đời này sang đời khác.

Từ thời xa xưa, khi núi rừng còn hoang vu, bản xứ thường hay xuất hiện những con ma hại vật nuôi, thậm chí hại cả con người. Do vậy trong tâm tưởng, dân làng lúc bấy giờ chỉ muốn có một sức mạnh thống trị áp đảo những thế lực siêu nhiên ấy. Tôi chỉ biết ngày đó ông nội tôi bảo “đá” sẽ đem lại may mắn cho con người. Vì vậy, mỗi khi đi xa, người trong bản thường đem theo một viên đá ở con suối gần nhà để tránh khỏi đau ốm, bệnh tật khi phải đến nơi đất khách quê người”

Linh vật chó đá của người Nùng

Có lẽ từ xa xưa, đối với người Nùng, “đá” là lá bùa hộ mệnh được tôn sùng nhất. Cụ Truyền nói tiếp: “Người Nùng chúng tôi cho rằng những con ma có sức mạnh vô biên nhưng lại sợ và tránh xa tiếng chó sủa. Chính vì vậy dân bản mới lấy những tảng đá đục đẽo thành hình con chó đá. Sau đó, chọn ngày lành tháng tốt, mời thầy về cúng bái. Lúc đó mới đặt bát hương và quàng một sợi dây đỏ ở cổ con chó đá rồi đặt chó trước cửa chính của ngôi nhà".

Được biết, sợi dây đỏ quàng trên cổ chó có ý nghĩa như sợi xích giữ con chó đá ở yên vị trí đó để trông giữ nhà cửa. Ngoài ra, người Nùng còn quan niệm rằng màu đỏ chỉ sự giàu sang, mới mẻ và đặc biệt là chỉ sự may mắn.

Truyền thống thờ chó đá của người Nùng

Trong sương mù, những ngôi nhà trình tường ở thôn Khòn Thống, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) ẩn hiện sau những quả đồi. Ở nơi đây, tập tục thờ chó đá được coi là đậm nét nhất. Hầu như nhà nào cũng có con chó đá canh cửa.

Bà Vy Thị Canh chuẩn bị thắp nhang cho chó đá dịp năm mới

Bà Vi Thị Canh cho biết: “Con chó đá của nhà tôi được truyền từ đời cụ kỵ đến bây giờ. Mẹ chồng tôi kể lại là con chó đá được cụ tổ trong gia đình tự tay tạc thành. Từ đó đến nay, cứ đến ngày lễ, ngày rằm, tôi đều thắp hương và có đĩa thức ăn cúng cho chó đá. Đặc biệt dịp, khi tết đến, người Nùng chúng tôi còn lấy vôi để quét qua cho con chó sạch, trắng sau đó dán lên lưng con chó một tờ giấy đỏ để con chó cùng đón năm mới với gia đình”.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Văn Thượng - Trưởng thôn Khòn Thống. Lúc này, ông Thượng đang ngồi đan lát trước thềm.

Ông Vy Văn Thượng (trưởng thôn) vừa đan lát vừa nói về số số hộ gia đình thờ chó đá

Khi được hỏi về tục thờ chó đá của dân bản, nở nụ cười trên môi ông cho biết: “Thôn chúng tôi có 273 nóc nhà, và có tới 90\% hộ thờ chó đá. Người Nùng nơi đây dù giàu hay nghèo cũng cố gắng sắm được một con chó đá đặt trước cửa để đón tài, đón lộc. Đặc biệt, khi người dân lập gia đình, chuyển ra sống riêng đều phải tạc hoặc mua lấy một con chó đá để giữ cửa, giữ nhà, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Người nghèo thì cố gắng đục đẽo những tảng đá đẹp thành hình con chó. Việc này tốn rất nhiều công sức. Còn những người giàu thường mua những con chó đá được những người thợ chuyên nghiệp chế tác thành”.

Những chó đá đặt trước cửa được tạc to bằng chó thật. Hai chân trước đứng hiên ngang, hai chân làm trụ theo thế đứng bệ vệ. Tuy nhiên, dáng chó đá được ưa thích nhất chính là thế phục mồi, mồm và mắt chúng phải nhìn nhằm vào một điểm ở phía trước, sẵn sàng tư thế tấn công.

Không chỉ là linh vật giữ cửa nhà, cai quản cõi âm, chó đá còn là vật trang trí cho ngôi nhà. Do vậy thờ chó đá của người bản Nùng luôn là nét đẹp văn hóa được lưu truyền đến mai sau.

M.L (theo Khampha.vn)

Tin nổi bật