Theo đó, khoảng 6h ngày 31/10, đám mây hình nón dần hình thành trên đỉnh núi Chứa Chan và càng lúc càng lớn dần. Sau khoảng một tiếng, đĩa mây bao trùm toàn bộ đỉnh núi Chứa Chan. Với độ cao hơn 800m so với mực nước biển, đĩa mây dễ dàng được nhìn thấy dù cách xa hàng chục cây số.
Theo người dân địa phương, đỉnh núi Chứa Chan thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những đĩa mây, nhưng kích thước nhỏ hơn và không rõ như hôm nay.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds). Đây là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính, hình thành ở những dãy núi cao. Thông thường mây thấu kính được tạo nên theo hướng song song với hướng gió, tách thành ba loại gồm Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tùy vào điều kiện thời tiết, địa hình.
Khi không khí ẩm và ổn định đi qua một ngọn núi, một loạt sóng không khí dừng có thể hình thành ở mặt bên của nó. Nếu nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước lơ lửng sẽ ngưng tụ lại tạo thành đám mây dạng thấu kính.
Trong quá trình tiếp tục của dòng không khí, khi đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi, tạo nên các cạnh đặc trưng. Ở một số điều kiện nhất định, chuỗi dài các đám mây dạng thấu kính có thể hình thành gần đỉnh của mỗi đợt tiếp theo trong một mô hình đám mây, có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.
Ảnh: VnExpress, Tuổi trẻ