Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ký hồ sơ vay vốn giúp, nhiều người dân phải trả nợ hàng trăm tỷ đồng

(DS&PL) -

Được chủ doanh nghiệp tư nhân nhờ ký hồ sơ vay vốn giúp, nhiều người dân bị tòa buộc phải trả nợ hàng trăm tỷ đồng cho ngân hàng.

Được chủ doanh nghiệp tư nhân nhờ ký hồ sơ vay vốn giúp, nhiều người dân bị tòa buộc phải trả nợ hàng trăm tỷ đồng cho ngân hàng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Hai ngày 16 và 17/7, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tín dụng tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Tân An (viết tắt là Agribank Tân An, nay là Agribank chi nhánh Bắc Đắk Lắk) ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, các bị cáo gồm Đỗ Thái Vũ, 40 tuổi (nguyên quyền Giám đốc từ tháng 9/2011 đến tháng 12/2012), Nguyễn Quốc Minh (35 tuổi) và Ngô Viết Thành (37 tuổi), đều nguyên là cán bộ tín dụng Agribank Tân An.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ 2011-2012, Agribank Tân An đã ký 59 hợp đồng tín dụng cho 45 khách hàng vay hơn 81 tỷ đồng.

Quá trình cho vay, Nguyễn Quốc Minh, Ngô Viết Thành, Đỗ Thái Vũ không thẩm định điều kiện vay vốn, tự ý nâng khống giá trị tài sản đảm bảo cao gấp nhiều lần số tiền vay.

Trong đó, giá trị thực của tài sản thế chấp trong nhiều hồ sơ tín dụng chỉ hơn 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng nhưng được định giá khống lên 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng.

Đến ngày khởi tố vụ án (tức ngày 24/6/2016), toàn bộ các hợp đồng tín dụng nêu trên đều quá hạn, với tổng dư nợ hơn 60,4 tỷ đồng.

Cũng theo nội dung cáo trạng, trên thực tế, các cá nhân đứng tên vay vốn không có nghề nghiệp ổn định, không kinh doanh nông sản, không có nhu cầu vay vốn nhưng được ông Nguyễn Ngọc Châu, chủ doanh nghiệp tư nhân Thương mại Năm Thịnh nhờ vay dùm.

Khi ký hợp đồng, các cá nhân này cũng không nhận tiền mà chỉ ký để hoàn tất thủ tục trên hồ sơ vay vốn, còn ông Châu mới là người trực tiếp nhận tiền giải ngân.

Năm 2013, ông Châu chết, doanh nghiệp cũng ngừng hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh. Điều đáng nói là ông Châu không để lại tài sản, di chúc và không còn tài sản gì để thu hồi.

Liên quan đến vụ án này, ông Phan Văn Thịnh (Giám đốc Agribank Tân An giai đoạn 2007 đến tháng 8/2011) đã có hành vi ký phê duyệt 7 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền giải ngân hơn 8,2 tỷ đồng, vi phạm quy định cho vay, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng.

Sau đó, ông Thịnh bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sau đó ông Thịnh đã khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại cho 7 hợp đồng tín dụng mà mình đã ký.

Đến tháng 7/2019, VKSND tỉnh Đắk Lắk áp dụng chính sách triệt để đối với bị can đã khắc phục hoàn toàn hậu quả thiệt hại trong vụ án kinh tế; ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phan Văn Thịnh.

Tại phiên tòa, đại diện Agribank Bắc Đắk Lắk đề nghị HĐXX buộc những người đứng tên trong các hồ sơ vay vốn phải có trách nhiệm trả khoản nợ (gồm gốc và lãi trong hạn, lãi quá hạn) với số tiền hơn 187 tỷ đồng.

Trong đó, có 70,4 tỷ đồng tiền nợ gốc và hơn 117 tỷ đồng tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định, các bị cáo đã cố ý làm sai quy chế cho vay, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Vì vậy, kết thúc phiên tòa HĐXX tuyên phạt bị cáo Đỗ Thái Vũ mức án 8 năm tù; bị cáo Ngô Viết Thành và Nguyễn Quốc Minh cùng bị tuyên mức án 7 năm 6 tháng tù cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, HĐXX buộc những người dân đã ký hợp đồng với Agribank Tân An phải chịu trách nhiệm trả cho ngân hàng cả tiền gốc, tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn.

Đối với một số hộ dân đã rời khỏi địa phương, chưa rõ địa chỉ cư trú, HĐXX đề nghị ngân hàng khởi kiện sau để đảm bảo thu hồi nợ. Tổng số tiền gốc và lãi đến thời điểm tuyên án mà 45 người dân phải trả là hơn 187 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân không đồng tình với bản án và cho rằng, họ chỉ ký hồ sơ, không nhận tiền giải ngân từ ngân hàng nên không chịu trách nhiệm trả nợ.

Mai Cường

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 116

Tin nổi bật