Tuyến đường Vành đai 2 trên cao dài khoảng 5km, nối từ đầu đường Trường Chinh đến chân cầu Vĩnh Tuy. Toàn tuyến có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở…
Đây là tuyến đường vành đai đi qua đô thị và ô tô được phép lưu thông lên đến 80km/h. Các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ bị cấm lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, thời gian gần đây tái xuất hiện tình trạng người đi xe máy trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao.
Các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ bị cấm lưu thông trên Vành đai 2 trên cao
Hiện tượng người đi xe máy lên Vành đai 2 trên cao thường xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng, từ 6h30 - 8h30, chủ yếu theo hướng từ ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng đi Ngã Tư Sở.
Lý do người dân đưa ra là sợ muộn làm, muộn học khi phải vượt qua đoạn ùn ứ Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Hành vi bất chấp biển cấm, đi vào đường dành cho ô tô là vô cùng nguy hiểm.
Nhiều tài xế bất chấp nguy hiểm điều khiển xe máy đi vào đường Vành đai 2 trên cao
Ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật vào sáng 5/3, tại đường từ Vành đai 2 trên cao xuống đường Trường Chinh (hướng từ cầu Vĩnh Tuy đi đường Láng), có nhiều trường hợp xe mô tô ngang nhiên vi phạm.
Xe máy đi xen kẽ giữa xe ô tô gây ra tình trạng mất an toàn giao thông
Điều đáng nói, mỗi khi có lực lượng CSGT xử lý vi phạm trên đường Vành đai 2, nhiều xe máy bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều, gây bức xúc cho người tham gia giao thông
Phần lớn các trường hợp vi phạm đều nhận thức rõ về hành vi vi phạm của mình nhưng do "vội đi làm" nên vẫn cố tình vi phạm
Trao đổi với PV, Đại uý Nguyễn Gia Long, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: “Tình trạng người tham gia giao thông điều khiển xe mô tô đi vào đường Vành đai 2 trên cao mặc dù đã giảm, nhưng cá biệt vào khung giờ cao điểm vẫn còn một số cá nhân cố tình đi từ khu vực Giải Phóng đầu đường Trường Chinh lên.
Hành vi này vô cùng nguy hiểm cho bản thân người vi phạm và những người tham gia giao thông. Đây là đường trong đô thị nhưng phương tiện ô tô được phép lưu thông với tốc độ 80km/h. Các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ bị cấm lưu thông trên tuyến đường này”.
Đại uý Nguyễn Gia Long, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)
Trong khung giờ cao điểm từ 6h-8h30 ngày 5/3, Tổ công tác xử lý được 5 trường hợp vi phạm. Đa số các trường hợp đều lấy lý do tránh đoạn đường ùn tắc Trường Chinh vào giờ cao điểm để đến chỗ làm và đến trường cho nhanh, dù biết nguy hiểm. Đội CSGT số 3 đã xử lý quyết liệt hành vi vi phạm này.
Theo Nghị định 100/2019, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện bị tước Giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
CSGT lập biên bản, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đối với những hành vi vi phạm không chỉ có lực lượng chức năng trực tiếp xử lý mà còn áp dụng cả hình thức “phạt nguội” qua hệ thống camera giao thông hoặc thông tin tố giác của người dân qua trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội” và Fanpage “Công an thành phố Hà Nội”.
Tất cả những vi phạm được người dân ghi hình, chụp ảnh gửi đến, đơn vị sẽ củng cố hồ sơ và xử phạt bằng tiền, tước Giấy phép lái xe và có thông báo gửi về địa phương. Chính những thông báo này sẽ giúp những người vi phạm giao thông nâng cao được ý thức khi điều khiển phương tiện.
Đồng thời, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Phòng CSGT khuyến cáo, người điều khiển xe máy cần chấm dứt vi phạm để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân, người tham gia giao thông và toàn xã hội.
Thời gian tới, Phòng CSGT đề nghị sự vào cuộc của Công an phụ trách địa bàn, lực lượng Thanh tra giao thông cùng tham gia xử lý. Bên cạnh đề xuất lắp camera phạt nguội, Phòng cũng mong muốn có thêm biện pháp hướng dẫn phân luồng, xử lý vi phạm ngay từ điểm đầu lên xuống đường Vành đai và ở nút giao Giải Phóng - Trường Chinh, Ngã Tư Sở - Trường Chinh.
Nguyễn Lâm