Tỉnh Thái Nguyên đã cho phép Công ty Thái H. chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện dự án KĐT để phân lô, bán nền trong khi doanh nghiệp chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định.
Phối cảnh dự án. |
Chỉ định thầu khi công ty chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp?
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó, có các nội dung nổi bật như: dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước, tiền thuê đất, thuế đất, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công,..
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý đất đai như: Giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án; giao đất không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá theo quy định ; chỉ định doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong khi doanh nghiệp chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định,…
Nổi bật trong đó, có trường hợp của tỉnh Thái Nguyên. Theo thông tin từ báo cáo gửi Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh này đã cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện Dự án khu đô thị không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Cụ thể, UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang xây dựng Khu đô thị mới Thái H. Eco City (Crown Villas) và chỉ định Công ty cổ phần thương mại Thái H. làm chủ đầu tư trong khi công ty này chưa có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định tại Điều 22, 23 của Luật Nhà ở.
Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do pháp luật đất đai chưa quy định rõ đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất có thuộc diện đấu giá hay không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
"Hô biến" nhà máy thép thành "siêu đô thị" nghìn tỷ?
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4/2017 đến đầu tháng 5/2017, Công ty Thái H. đã hoàn tất thương vụ mua vào 36,8 triệu cổ phiếu TIS của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), sàn giao dịch,.., chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.
Ngày 29/6/2017, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Gang thép Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Thái H. được bầu làm Chủ tịch HĐQT Tisco.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 22/7/2016, Công ty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (thép Gia Sàng) đã ký kết hợp tác sản xuất với Công ty Thái H. để cùng vực dậy nhà máy sản xuất thép.
Với tiếng tăm của người sáng lập Công ty Thái H. là bà N.T.C. trong ngành thép, cùng động thái đưa thép Gia Sàng vào hoạt động trở lại khiến dư luận kỳ vọng về việc khôi phục sản xuất sau hơn 3 năm phải ngừng hoạt động của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, khi Công ty Thái H. cho ngừng hoạt động của thép Gia Sàng, đồng thời tiến hành tháo dỡ nhà xưởng, dư luận đã đặt ra dấu hỏi, phải chăng mục tiêu thực sự của công ty này là lô “đất vàng” 22,6ha của thép Gia Sàng tại trung tâm TP.Thái Nguyên?
Nghi vấn này càng có cơ sở khi tháng 7/2016, Công ty Thái H. đấu giá thành công toàn bộ khối tài sản trên đất của thép Gia Sàng với giá 56 tỷ đồng.
Điều đáng nói, thời điểm đó, Công ty Thái H. đấu giá thành công toàn bộ khối tài sản trên đất của thép Gia Sàng nhưng không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các bên liên quan.
Như vậy, lô đất 22,6ha không thuộc sở hữu của công ty Thái H. Việc đấu giá liên quan đến mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp với hình thức thuê và thời gian sử dụng là thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, sau khi Thái H. trúng đấu giá nhà máy tại Thông báo số 219/TB-ĐGTS lại được sở TN&MT Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE855963 ngày 23/3/2017, thời hạn sử dụng đất đến ngày 18/5/2047.
Ngày 20/9/2017, trên cơ sở đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất của Công ty Thái H., UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 4086/UBND-TH đồng ý cho Công ty Thái H. được thực hiện nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ mục đích xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, sân thể thao phục vụ sản xuất - kinh doanh sang mục đích xây dựng khu đô thị kiểu mẫu.
Ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Công ty Thái H. nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 Dự án Khu đô thị Thái Hưng Eco City. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27/12/2017) Quy hoạch chi tiết Dự án Thái Hưng Eco City chính thức được phê duyệt.
Đến ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức cho phép Công ty Thái H. chuyển mục đích sử dụng gần 21,4ha đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng khu đô thị mới, hoàn tất thương vụ “thâu tóm” đất nhà máy thép để xây dựng dự án bất động sản nghìn tỷ.
Theo bảng giá đất ở tại TP.Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2019 được tỉnh này phê duyệt thì năm 2015 giá đất trên trục đường Cách mạng tháng 8 có giá cao nhất là 20 triệu đồng/m2.
Nếu lô đất của Nhà máy Thép Gia Sàng được phân lô bán nền với mật độ xây dựng khoảng 65% và mức giá bình quân 15 triệu đồng/m2, thu về khoảng 2.200 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty Thái H. đã triển khai dự án. Theo thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản, mỗi căn biệt thự liền kề tại dự án Crown Villas rộng 96m2 cũng đã có giá gần 4 tỷ đồng. Có những căn vị trí đẹp, diện tích lớn có giá hàng chục tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Do đó, nếu Thái H. không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (như giấy chứng nhận) thì Công ty phải thực hiện thủ tục bàn giao lại đất cho Nhà nước theo quy định tại Điều 65, Luật Đất đai 2013. Nếu có nhu cầu sử dụng đất mới là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải thực hiện theo các quy định điều chỉnh lĩnh vực nhà ở của Luật Đất đai và Luật Nhà ở. |
Bạch Hiền